Tiêu chuẩn và điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông là gì?
- Nguyên tắc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông phải đảm bảo những gì?
- Tiêu chuẩn và điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông là gì?
- Viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông dự xét thăng hạng phải chuẩn bị các giấy tờ nào?
Nguyên tắc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông phải đảm bảo những gì?
Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp với viên chức chuyên ngành thông tin và truyền thông (Hình từ Internet)
Theo Điều 3 Thông tư 03/2021/TT-BTTTT quy định về nguyên tắc xét thăng hạng như sau:
- Việc cử viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông tham dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, số lượng viên chức ứng với chức danh nghề nghiệp còn thiếu theo yêu cầu của vị trí việc làm và nhu cầu của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông tham dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng theo quy định của pháp luật.
- Việc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông phải bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng quy định của pháp luật.
Tiêu chuẩn và điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông là gì?
Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 03/2021/TT-BTTTT quy định về tiêu chuẩn điều kiện dự xét thăng hạng như sau:
"Điều 6. Tiêu chuẩn, điều kiện dự xét thăng hạng
Viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghề nghiệp được cử dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
"1. Đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
2. Có thành tích xuất sắc như sau:
a) Đối với viên chức dự xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I: Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng II được khen thưởng Huân chương lao động hạng Ba trở lên hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc;
b) Đối với viên chức dự xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II: Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III được khen thưởng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương trở lên;
c) Đối với viên chức dự xét thăng hạng từ hạng IV lên hạng III: Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV được khen thưởng Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương trở lên hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở."
Như vậy, để được xét thăng hạng thì điều đầu tiên viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông phải có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghề nghiệp được cử dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. (khoản 2 Điều 6 trên quy định cụ thể những thành tích xuất sắc mà viên chức đạt được để dự xét thăng hạng).
Đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn tại Điều 4 Thông tư 03/2021/TT-BTTTT.
Viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông dự xét thăng hạng phải chuẩn bị các giấy tờ nào?
Về hồ sơ dự xét thăng hạng cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo Điều 7 Thông tư 03/2021/TT-BTTTT cụ thể như sau:
"Điều 7. Hồ sơ dự thi hoặc dự xét thăng hạng
Hồ sơ đăng ký dự thi hoặc dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp bao gồm:
1. Sơ yếu lý lịch viên chức theo quy định hiện hành trong thời hạn 30 ngày tính đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, có xác nhận của cơ quan, đơn vị sử dụng viên chức.
2. Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức hoặc của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập về việc đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
3. Quyết định tuyển dụng, quyết định bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông (hoặc tương đương), quyết định nâng bậc lương gần nhất.
4. Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng. Cụ thể:
a) Bằng tốt nghiệp chuyên môn và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành (nếu có) theo quy định của từng hạng chức danh nghề nghiệp dự thi;
b) Bằng tốt nghiệp trình độ lý luận chính trị theo quy định của từng hạng chức danh nghề nghiệp dự thi (nếu có);
c) Chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định của từng hạng chức danh nghề nghiệp dự thi.
Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp biên dịch viên, đạo diễn truyền hình, an toàn thông tin, quản trị viên hệ thống, kiểm định viên công nghệ thông tin, phát triển phần mềm, âm thanh viên, kỹ thuật dựng phim, phát thanh viên, quay phim tham dự kỳ thi hoặc dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được tổ chức trước khi cơ sở đào tạo được Bộ Thông tin và Truyền thông giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng thì được sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng để thay thế.
5. Bản sao các văn bản của cấp có thẩm quyền chứng minh việc đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc dự xét thăng hạng theo quy định. Cụ thể:
a) Quyết định hoặc văn bản của người có thẩm quyền về việc giao chủ trì tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật, khoa học chuyên ngành thừa nhận hoặc đạt giải thưởng; chủ trì hoặc tham gia viết chuyên đề trong công trình lý luận, nghiên cứu lý luận về khoa học nghiệp vụ chuyên ngành (cấp bộ, cấp tỉnh);
b) Giấy chứng nhận của Hội đồng nghệ thuật, khoa học chuyên ngành (nếu có) hoặc giấy chứng nhận giải thưởng;
c) Biên bản nghiệm thu công trình lý luận, nghiên cứu lý luận về khoa học nghiệp vụ chuyên ngành (cấp bộ, cấp tỉnh).
6. Quyết định khen thưởng của cấp có thẩm quyền đối với viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp."
Theo đó, hồ sơ để xét thăng hạng đối với viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông cần đảm bảo có đủ sơ yếu lý lịch, bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp xét thăng hạng, bản sao các văn bản của cấp có thẩm quyền chứng minh việc đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng theo quy định.
Phạm Lan Anh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Viên chức có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công đoàn Việt Nam là tổ chức gì? Thành viên hợp danh của công ty hợp danh được kết nạp vào Công đoàn Việt Nam không?
- Mục đích của đổi mới công nghệ là gì? 04 mục tiêu của chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia là gì?
- Content về ngày 20 11 sáng tạo, thu hút? Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 thứ mấy, ngày mấy âm lịch?
- Ngày 18 tháng 11 là ngày gì? Ngày 18 tháng 11 là thứ mấy? Ngày 18 tháng 11 có phải ngày nghỉ lễ, tết của người lao động không?
- Mẫu Công văn đề xuất xếp loại chất lượng chi bộ, tập thể lãnh đạo và đảng viên mới nhất là mẫu nào?