Tình trạng đã phá sản của doanh nghiệp là gì? Chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp sang đã phá sản khi nào?
Tình trạng đã phá sản của doanh nghiệp là gì?
“Đã phá sản" được giải thích tại khoản 6 Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
“Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể theo quy định và được Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý theo khoản 8 Điều 208, khoản 5 Điều 209 Luật Doanh nghiệp; doanh nghiệp có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án theo quy định của pháp luật về phá sản; doanh nghiệp bị chấm dứt tồn tại do bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập theo khoản 5 Điều 198, khoản 5 Điều 200, khoản 4 Điều 201 Luật Doanh nghiệp. Thời gian xác định chuyển tình trạng pháp lý “Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại” là thời điểm Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Theo quy định trên, "Đã phá sản" là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án theo quy định của pháp luật về phá sản;
Thời gian xác định chuyển tình trạng pháp lý “Đã phá sản” là thời điểm Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Tình trạng pháp lý “Đã phá sản” của doanh nghiệp (Hình từ Internet)
Chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã phá sản khi nào?
Quy trình đăng tải quyết định mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản của Tòa án được quy định tại Điều 78 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
Quy trình đăng tải quyết định mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản của Tòa án
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án, Phòng Đăng ký kinh doanh đăng tải quyết định trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đang làm thủ tục phá sản.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản của Tòa án, Phòng Đăng ký kinh doanh đăng tải quyết định trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã phá sản.
Theo quy định trên, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản của Tòa án, Phòng Đăng ký kinh doanh đăng tải quyết định trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã phá sản.
Tòa án nhân dân giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn đối với những trường hợp nào?
Tuyên bố doanh nghiệp phá sản theo thủ tục rút gọn được quy định tại Điều 105 Luật Phá sản 2014 như sau:
Tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn
1. Tòa án nhân dân giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn đối với các trường hợp sau:
a) Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 của Luật này mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;
b) Sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tài sản để thanh toán chi phí phá sản.
2. Trường hợp Tòa án nhân dân xét thấy doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án nhân dân thông báo cho người tham gia thủ tục phá sản biết về việc Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn.
3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân thông báo theo quy định tại khoản 2 Điều này, Tòa án nhân dân xem xét, tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản đối với những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này hoặc tiếp tục giải quyết theo thủ tục thông thường và thông báo cho người tham gia thủ tục phá sản biết.
4. Trường hợp Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì người nộp đơn không được hoàn lại lệ phí phá sản, tiền tạm ứng chi phí phá sản đã nộp.
Dẫn chiếu đến khoản 3, khoản 4 Điều 5 Luật Phá sản 2014 quy định:
Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
...
3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
4. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Theo quy định trên, Tòa án nhân dân giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn đối với các trường hợp sau:
- Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 nêu trên mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;
- Sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tài sản để thanh toán chi phí phá sản.
Mai Hoàng Trúc Linh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Doanh nghiệp phá sản có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người phạm tội tự thú thì có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không? Người phạm tội tự thú có thể được miễn trách nhiệm hình sự không?
- Con cháu có thể ủy nhiệm chăm sóc ông bà cho viện dưỡng lão khi ở xa không có điều kiện chăm sóc trực tiếp không?
- Khi nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng kỹ thuật mới có cần phải báo cáo thông tin AE trong các thử nghiệm đa quốc gia mà Việt Nam tham gia không?
- Người theo học ngành an ninh mạng trình độ cao đẳng được trang bị những kiến thức và kỹ năng gì? Ngành an ninh mạng trình độ cao đẳng là gì?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự của cơ sở kinh doanh các loại pháo sẽ do cơ quan nào cấp?