Tổ chức không nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định thì bị xử phạt thế nào?
- Trong những trường hợp nào tổ chức phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước?
- Tổ chức không nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định thì bị xử phạt thế nào?
- Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường được quyền xử phạt tổ chức không nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước không?
Trong những trường hợp nào tổ chức phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước?
Theo quy định tại Điều 65 Luật Tài nguyên nước 2012 về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước như sau:
Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
1. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:
a) Khai thác nước để phát điện có mục đích thương mại;
b) Khai thác nước để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp;
c) Khai thác nước dưới đất để trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô lớn.
2. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được xác định căn cứ vào chất lượng của nguồn nước, loại nguồn nước, điều kiện khai thác, quy mô, thời gian khai thác, mục đích sử dụng nước.
3. Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Theo quy định trên, tổ chức phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong những trường hợp sau:
+ Khai thác nước để phát điện có mục đích thương mại.
+ Khai thác nước để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp.
+ Khai thác nước dưới đất để trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô lớn.
Khai thác tài nguyên nước (Hình từ Internet)
Tổ chức không nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định thì bị xử phạt thế nào?
Theo điểm d khoản 6, điểm b khoản 8 Điều 29 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định khác về quản lý tài nguyên nước như sau:
Vi phạm các quy định khác về quản lý tài nguyên nước
...
6. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
...
d) Không nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định;
...
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Đình chỉ hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất trong thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm tại điểm b khoản 7 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong thời hạn từ 01 tháng đến dưới 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định điểm d khoản 5, trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm; quy định tại các điểm a, b và điểm c khoản 5 và khoản 6 Điều này.
...
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định về áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt hành chính như sau:
Áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt hành chính
1. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo đó, tổ chức không nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
Đồng thời tổ chức vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng.
Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường được quyền xử phạt tổ chức không nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước không?
Theo khoản 2 Điều 63 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm b khoản 29 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định về thẩm quền của Thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường như sau:
Thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường
...
2. Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này, cụ thể như sau:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
...
Như vậy, tổ chức không nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 200.000.000 đồng nên Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường không được quyền xử phạt tổ chức này.
Trần Thị Tuyết Vân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Khai thác tài nguyên nước có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Có thể xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo nghỉ hưu?
- Phê bình người có hành vi bạo lực gia đình có phải là một biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình?
- Mẫu biên bản họp hội đồng thi đua khen thưởng? Cách viết mẫu biên bản hội đồng thi đua khen thưởng?
- Người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam? Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam tối đa bao nhiêu năm?
- Công dân được tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở khi từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi đúng không?