Trái phiếu doanh nghiệp là gì? Giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng hiện nay?
Trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 16/2021/TT-NHNN có quy định:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.
2. Trái phiếu chuyển đổi là loại trái phiếu do công ty cổ phần phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
3. Trái phiếu có bảo đảm là loại trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.
...
Theo đó, có thể hiểu trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.
Trái phiếu doanh nghiệp là gì? Giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng hiện nay? (Hình từ Internet)
Giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng hiện nay?
Căn cứ Điều 8 Thông tư 16/2021/TT-NHNN (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 11/2024/TT-NHNN), giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng được quy định như sau:
(1) Tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm cả trái phiếu do doanh nghiệp và người có liên quan của doanh nghiệp đó phát hành) được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng
(2) Tổ chức tín dụng quy định cụ thể các giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp:
- Trái phiếu của một doanh nghiệp phát hành;
- Trái phiếu của một doanh nghiệp phát hành và người có liên quan phát hành;
- Trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm;
- Trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm;
- Trái phiếu doanh nghiệp đầu tư sẵn sàng để bán;
- Trái phiếu doanh nghiệp đầu tư giữ đến ngày đáo hạn;
- Trái phiếu doanh nghiệp kinh doanh.
Trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Căn cứ Điều 7 Thông tư 16/2021/TT-NHNN (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 11/2024/TT-NHNN), trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp gồm:
(i) Thẩm định việc đáp ứng các nguyên tắc tại Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN để xem xét quyết định việc mua trái phiếu doanh nghiệp.
(ii) Thực hiện theo dõi, giám sát việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành; trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án, cam kết với tổ chức tín dụng, thì tổ chức tín dụng yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn.
Trường hợp doanh nghiệp phát hành không mua lại trái phiếu trước hạn theo cam kết và yêu cầu của tổ chức tín dụng, thì tổ chức tín dụng thực hiện xử lý, thu hồi tiền gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.
(iii) Yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn.
Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có khả năng thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hoặc khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu không thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn theo cam kết tại điểm c khoản 6 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN, tổ chức tín dụng thực hiện xử lý, thu hồi nợ gốc, lãi trái phiếu.
(iv) Trong thời gian nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, tối thiểu định kỳ 06 tháng/lần, tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, đánh giá tình hình tài chính, khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.
(v) Xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình mua trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp.
Lưu ý: Đối với các hợp đồng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp được ký kết trước ngày Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực thi hành (ngày 15/01/2022), tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp tục thực hiện các nội dung trong hợp đồng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký kết hợp đồng đó.
Việc sửa đổi, bổ sung các hợp đồng trên kể từ ngày Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực thi hành chỉ được thực hiện khi nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định tại Thông tư 16/2021/TT-NHNN.
Phạm Thị Thục Quyên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Trái phiếu doanh nghiệp có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân khi ủy quyền cho công ty quyết toán thuế TNCN là hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước đúng không?
- Quyết định trưng dụng đất có được ủy quyền không? Cơ quan nào sẽ quyết định bồi thường thiệt hại do trưng dụng đất gây ra?
- Thời hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chậm nhất là bao nhiêu ngày theo quy định pháp luật?
- Hướng dẫn thủ tục đổi bằng lái xe nước ngoài sang Việt Nam mới nhất? Điều kiện để người nước ngoài được đổi sang bằng lái xe Việt Nam là gì?
- Người được giáo dục có phải gửi bản cam kết về việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục không?