Văn phòng giám định tư pháp có thể tự chấm dứt hoạt động khi chưa thực hiện xong các yêu cầu giám định đã tiếp nhận hay không?
Văn phòng giám định tư pháp có thể tự chấm dứt hoạt động khi chưa thực hiện xong các yêu cầu giám định đã tiếp nhận hay không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 21 Nghị định 85/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 157/2020/NĐ-CP), thủ tục để Văn phòng giám định tư pháp tự chấm dứt hoạt động được thực hiện như sau:
Bước 01: Văn phòng giám định tư pháp báo cáo bằng văn bản gửi Sở Tư pháp
Chậm nhất là 30 ngày trước thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động, Văn phòng giám định tư pháp phải có báo cáo bằng văn bản gửi Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động.
Văn phòng giám định tư pháp phải gửi kèm theo báo cáo giấy tờ chứng minh đã hoàn thành việc thực hiện giám định đối với các trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp đã tiếp nhận, nộp đủ số thuế còn nợ, thanh toán xong các khoản nợ theo quy định của pháp luật, làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với người lao động, đăng báo trung ương hoặc báo địa phương trong hai số liên tiếp về thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động.
Bước 02: Giám đốc Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chấm dứt hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp.
Bước 03: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định chấm dứt hoạt động
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp trình hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định chấm dứt hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động đến Văn phòng giám định tư pháp và các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 85/2013/NĐ-CP.
Như vậy, theo quy định nêu trên, Văn phòng giám định tư pháp để được chấm dứt hoạt động thì phải gửi kèm theo báo cáo đến Sở Tư pháp giấy tờ chứng minh đã hoàn thành việc thực hiện giám định đối với các trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp đã tiếp nhận.
Theo đó, nếu muốn tự chấm dứt hoạt động thì Văn phòng giám định tư pháp có trách nhiệm phải hoàn thành xong những trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp mà mình đã tiếp nhận.
Tải về mẫu thẻ giám định viên tư pháp mới nhất 2023: Tại Đây
Văn phòng giám định tự pháp tự chấm dứt hoạt động (Hình từ Internet)
Trường hợp nào Văn phòng giám định tư pháp sẽ bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động?
Tại Điều 20 Nghị định 85/2013/NĐ-CP quy định về việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp như sau:
Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp
1. Văn phòng giám định tư pháp bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không còn đủ giám định viên tư pháp theo quy định;
b) Thực hiện giám định tư pháp không đúng lĩnh vực đã đăng ký;
c) Vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính lần thứ hai mà còn tái phạm;
d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Sở Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này.
Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho các cơ quan, tổ chức quy định tại Khoản 1 Điều 16 về việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp.
Như vậy, Văn phòng giám định tư pháp sẽ bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không còn đủ giám định viên tư pháp theo quy định;
- Thực hiện giám định tư pháp không đúng lĩnh vực đã đăng ký;
- Vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính lần thứ hai mà còn tái phạm;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định công lập hay ngoài công lập?
Căn cứ theo Điều 14 Luật Giám định tư pháp 2012 quy định về Văn phòng giám định tư pháp như sau:
Văn phòng giám định tư pháp
1. Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.
2. Văn phòng giám định tư pháp do 01 giám định viên tư pháp thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng giám định tư pháp do 02 giám định viên tư pháp trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.
Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp là Trưởng văn phòng. Trưởng văn phòng giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập.
Đinh Thị Ngọc Huyền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Văn phòng giám định tư pháp có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu danh sách thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp một lần là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?
- Thời hạn phê duyệt kế hoạch cải tạo nhà chung cư? Tiêu chí đánh giá chất lượng nhà chung cư để đưa vào kế hoạch được xác định theo quy trình nào?
- Quy trình đánh giá Đảng viên cuối năm 2024? Quy trình đánh giá xếp loại Đảng viên cuối năm 2024 thế nào?
- Khối lượng của loại vàng miếng SJC do cơ quan nào quyết định? Quy trình gia công vàng miếng SJC từ vàng của Ngân hàng Nhà nước?
- Mẫu phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên mầm non mới nhất? Tải về tại đâu?