Vi phạm hợp đồng thương mại là gì? Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm hợp đồng thương mại?
Vi phạm hợp đồng thương mại là gì?
Hoạt động thương mại được giải thích theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Như vậy, hợp đồng thương mại được hiểu là thỏa thuận giữa thương nhân với thương nhân hay thương nhân với các bên có liên quan nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong hoạt động thương mại.
Vi phạm hợp đồng thương mại được giải thích theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại 2005 là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này trong hợp đồng thương mại.
Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm hợp đồng thương mại được quy định thế nào?
Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm hợp đồng thương mại được quy định tại khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005 như sau:
Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm
1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.
Căn cứ trên quy định bên vi phạm hợp đồng thương mại được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
- Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
- Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 296 Luật Thương mại 2005 như sau:
Kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng
1. Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá các thời hạn sau đây:
a) Năm tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận không quá mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng;
b) Tám tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận trên mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng.
...
- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Lưu ý: Bên vi phạm hợp đồng thương mại có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.
Ngoài ra, bên vi phạm hợp đồng thương mại còn có trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 295 Luật Thương mại 2005 như sau:
Thông báo và xác nhận trường hợp miễn trách nhiệm
1. Bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra.
2. Khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết; nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.
3. Bên vi phạm có nghĩa vụ chứng minh với bên bị vi phạm về trường hợp miễn trách nhiệm của mình.
Vi phạm hợp đồng thương mại là gì? Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm hợp đồng thương mại? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại chỉ phát sinh khi có đủ các yếu tố nào?
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại chỉ phát sinh khi có đủ các yếu tố được quy định tại Điều 303 Luật Thương mại 2005 như sau:
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;
2. Có thiệt hại thực tế;
3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
Như vậy, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 Luật Thương mại 2005, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại chỉ phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
- Có hành vi vi phạm hợp đồng;
- Có thiệt hại thực tế;
- Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
Huỳnh Lê Bình Nhi
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hợp đồng thương mại có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hàng hóa thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư chuyển sang hàng hóa không thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư có được nộp bổ sung chứng từ?
- Hợp đồng chìa khóa trao tay có phải là hợp đồng xây dựng không? Nội dung của hợp đồng chìa khóa trao tay gồm những gì?
- Trường hợp nào thì tàu bay chưa khởi hành bị đình chỉ thực hiện chuyến bay? Đình chỉ thực hiện chuyến bay như thế nào?
- Mẫu tờ trình đề nghị giải thể cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trường chuyên biệt, giáo dục thường xuyên mới nhất?
- Công chức quản lý thuế có bao gồm công chức hải quan? Nghiêm cấm công chức hải quan bao che, thông đồng để gian lận thuế?