Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy vô tình dẫn đến cháy nhà hàng xóm thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Trách nhiệm phòng cháy chữa cháy được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 5 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 được bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013 quy định về trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy như sau:
Trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy
1. Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khoẻ có trách nhiệm tham gia vào đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu.
3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và thường xuyên kiểm tra phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi trách nhiệm của mình.
3a. Chủ hộ gia đình có trách nhiệm:
a) Đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;
b) Thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ;
c) Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ.
3b. Cá nhân có trách nhiệm:
a) Chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của người hoặc cơ quan có thẩm quyền;
b) Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy thông dụng;
c) Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy;
d) Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy;
đ) Thực hiện quy định khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân trong Luật này.
4. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy."
Theo đó, trách nhiệm phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó cá nhân có trách nhiệm chấp hành các quy định thuộc khoản 3b Điều 5 nêu trên.
Vi phạm về phòng cháy chữa cháy (Hình từ Internet)
Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy tại hộ gia đình bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Căn cứ Điều 50 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại hộ gia đình như sau:
Vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại hộ gia đình
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;
b) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;
c) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 2 Điều này.
Theo đó, hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Tùy từng trường hợp mà bị xử phạt cụ thể theo quy định trên. Trường hợp có gây thương tích cho người khác theo quy định trên thì buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thương tích.
Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy vô tình dẫn đến cháy nhà hàng xóm thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Căn cứ Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 115 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy như sau:
Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó, tùy vào mức độ mức độ thiệt hại và hậu quả của vụ cháy, nếu thuộc trường hợp trên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tương ứng.
Như vậy, trong trường hợp của bạn do không có người thương vong nhưng đã gây thiệt hại cho căn nhà. Nếu thiệt hại trên 100 triệu đồng thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trần Thị Tuyết Vân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Phòng cháy và chữa cháy có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu bản tự nhận xét đánh giá của cán bộ công chức mới nhất? Mục đích của việc đánh giá cán bộ công chức là gì?
- Quỹ Hỗ trợ nông dân là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách? Chế độ báo cáo của Quỹ Hỗ trợ nông dân được quy định như thế nào?
- Mẫu biên bản kiểm tra hiện trường xác định nguyên nhân, thiệt hại rừng trồng là mẫu nào? Tải về mẫu biên bản?
- Mẫu báo cáo kết quả thẩm định thanh lý rừng trồng là mẫu nào? Tải về mẫu báo cáo kết quả thẩm định thanh lý rừng trồng?
- Ngành quản lý tòa nhà trình độ cao đẳng là ngành gì? Ngành quản lý tòa nhà hệ cao đẳng có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp không?