Việc thành lập Phòng công chứng được thực hiện dựa trên căn cứ gì? Phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu khi nào?
Việc thành lập Phòng công chứng được thực hiện dựa trên căn cứ gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Công chứng 2014 quy định về việc thành lập Phòng công chứng như sau:
Thành lập Phòng công chứng
1. Căn cứ vào nhu cầu công chứng tại địa phương, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ xây dựng đề án thành lập Phòng công chứng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Đề án nêu rõ sự cần thiết thành lập Phòng công chứng, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện.
2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thành lập Phòng công chứng, Sở Tư pháp phải đăng báo trung ương hoặc báo địa phương nơi có trụ sở của Phòng công chứng trong ba số liên tiếp về các nội dung sau đây:
a) Tên gọi, địa chỉ trụ sở của Phòng công chứng;
b) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định thành lập và ngày bắt đầu hoạt động của Phòng công chứng.
3. Trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thay đổi tên gọi hoặc địa chỉ trụ sở của Phòng công chứng thì Sở Tư pháp phải đăng báo những nội dung thay đổi đó theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Theo quy định trên thì việc thành lập Phòng công chứng được thực hiện dựa trên nhu cầu công chứng tại địa phương và Sở Tư pháp sẽ chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ xây dựng đề án thành lập Phòng công chứng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Việc thành lập Phòng công chứng được thực hiện dựa trên căn cứ gì? (Hình từ internet)
Phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu khi nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Công chứng 2014 quy định như sau:
Phòng công chứng
1. Phòng công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.
2. Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng.
Người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng là Trưởng phòng. Trưởng phòng công chứng phải là công chứng viên, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
3. Tên gọi của Phòng công chứng bao gồm cụm từ “Phòng công chứng” kèm theo số thứ tự thành lập và tên của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Phòng công chứng được thành lập.
4. Phòng công chứng sử dụng con dấu không có hình quốc huy. Phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu sau khi có quyết định thành lập. Thủ tục, hồ sơ xin khắc dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của Phòng công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.
Theo quy định trên thì phòng công chứng sử dụng con dấu không có hình quốc huy. Phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu sau khi có quyết định thành lập.
Thủ tục, hồ sơ xin khắc dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của Phòng công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.
Như vậy, Phòng công chứng chỉ được khắc và sử dụng con dấu sau khi đã có quyết định thành lập theo quy định của pháp luật.
Có bao nhiêu trường hợp chuyển đổi Phòng công chứng?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 29/2015/NĐ-CP thì sẽ có 02 trường hợp chuyển đổi Phòng công chứng như sau:
- Các địa bàn cấp huyện đã thành lập đủ số tổ chức hành nghề công chứng theo Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và số lượng Văn phòng công chứng nhiều hơn số lượng Phòng công chứng.
- Các địa bàn cấp huyện chưa thành lập đủ số tổ chức hành nghề công chứng theo Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng có ít nhất 02 Văn phòng công chứng đã hoạt động ổn định từ 02 năm trở lên, kể từ ngày đăng ký hoạt động.
Việc chuyển đổi Phòng công chứng phải đảm bảo mấy nguyên tắc?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 29/2015/NĐ-CP thì việc chuyển đổi Phòng công chứng phải đảm bảo 04 nguyên tắc sau:
- Văn phòng công chứng được thành lập từ việc chuyển đổi Phòng công chứng phải kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và tiếp nhận toàn bộ hồ sơ công chứng của Phòng công chứng đó.
- Bảo đảm chế độ, chính sách đối với công chứng viên, viên chức, người lao động sau khi Phòng công chứng chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về viên chức và pháp luật về lao động.
- Văn phòng công chứng được thành lập từ việc chuyển đổi Phòng công chứng phải ký hợp đồng lao động với công chứng viên, viên chức, người lao động của Phòng công chứng đó, trừ trường hợp những người này không có nhu cầu tiếp tục làm việc tại Văn phòng công chứng. Nội dung, thời hạn, điều kiện hợp đồng được thực hiện theo quy định của Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Bảo đảm tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước đang do Phòng công chứng quản lý, sử dụng được xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không bị thất thoát trong quá trình chuyển đổi.
Trương Thị Mỹ Tiên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Phòng công chứng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người phạm tội tự thú thì có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không? Người phạm tội tự thú có thể được miễn trách nhiệm hình sự không?
- Con cháu có thể ủy nhiệm chăm sóc ông bà cho viện dưỡng lão khi ở xa không có điều kiện chăm sóc trực tiếp không?
- Khi nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng kỹ thuật mới có cần phải báo cáo thông tin AE trong các thử nghiệm đa quốc gia mà Việt Nam tham gia không?
- Người theo học ngành an ninh mạng trình độ cao đẳng được trang bị những kiến thức và kỹ năng gì? Ngành an ninh mạng trình độ cao đẳng là gì?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự của cơ sở kinh doanh các loại pháo sẽ do cơ quan nào cấp?