Việc xác định chủ nguồn thải chất thải nguy hại dựa trên căn cứ gì? Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có được tự xử lý chất thải nguy hại không?
Căn cứ xác định chủ nguồn thải chất thải nguy hại là gì?
Căn cứ xác định chủ nguồn thải chất thải nguy hại (Hình từ Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
…
1. Chủ nguồn thải là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc được giao quản lý, điều hành cơ sở phát sinh chất thải.
Và tại khoản 20 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.
Theo đó, dựa vào các quy định trên thì việc xác định chủ nguồn thải chất thải nguy hại sẽ dựa trên các căn cứ như sau:
- Quyền sở hữu cơ sở phát sinh chất thải nguy hại;
- Được giao quản lý, điều hành cơ sở phát sinh chất thải nguy hại.
Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có được tự xử lý chất thải nguy hại không?
Căn cứ khoản 1 Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định như sau:
Khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải nguy hại
1. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm sau đây:
a) Khai báo khối lượng, loại chất thải nguy hại trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường hoặc nội dung đăng ký môi trường;
b) Thực hiện phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ riêng và không để lẫn với chất thải không nguy hại, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường;
c) Tự tái sử dụng, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật hoặc chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở có giấy phép môi trường phù hợp để xử lý.
Theo đó, chủ nguồn thải chất thải nguy hại có thể tự xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở có giấy phép môi trường phù hợp để xử lý.
Tại khoản 2 Điều 70 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải nguy hại được tự xử lý chất thải nguy hại trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải khi đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Thực hiện bằng công nghệ, công trình bảo vệ môi trường, thiết bị sản xuất sẵn có trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải và phải bảo đảm đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định;
- Phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần quy định tại khoản 1 Điều 70 Nghị định 08/2022/NĐ-CP;
- Không đầu tư mới lò đốt và bãi chôn lấp để xử lý chất thải nguy hại, trừ trường hợp phù hợp với nội dung quản lý chất thải rắn trong các quy hoạch có liên quan.
Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm sau đây:
- Khai báo khối lượng, loại chất thải nguy hại trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường hoặc nội dung đăng ký môi trường;
- Thực hiện phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ riêng và không để lẫn với chất thải không nguy hại, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường;
- Tự tái sử dụng, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật hoặc chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở có giấy phép môi trường phù hợp để xử lý.
Và tại Điều 71 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại như sau:
- Phân định, phân loại, lưu giữ chất thải nguy hại:
+ Tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định lượng chất thải nguy hại phải khai báo và quản lý;
+ Có khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
+ Chỉ được lưu giữ chất thải nguy hại không quá 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh.
Trường hợp lưu giữ quá thời hạn nêu trên do chưa có phương án vận chuyển, xử lý khả thi hoặc chưa tìm được cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phù hợp thì phải báo cáo định kỳ hằng năm về việc lưu giữ chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh bằng văn bản riêng hoặc kết hợp trong báo cáo môi trường định kỳ.
- Đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc nhóm I, nhóm II, nhóm III quy định tại các Phụ lục III, IV và V ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP có phát sinh chất thải nguy hại với tổng khối lượng từ 1.200 kg/năm trở lên hoặc từ 100 kg/tháng trở lên trong quá trình vận hành thì phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
- Tự xử lý chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh hoặc ký hợp đồng để chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý nguy hại phù hợp.
- Phối hợp với chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại để lập chứng từ chất thải nguy hại khi chuyển giao chất thải nguy hại theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Sau thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chuyển giao chất thải nguy hại, nếu không nhận được hai liên cuối cùng của chứng từ chất thải nguy hại mà không có lý do hợp lý bằng văn bản từ tổ chức, cá nhân tiếp nhận chất thải nguy hại thì chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải báo cáo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp chuyển giao chất thải y tế nguy hại để xử lý theo mô hình cụm thì sử dụng biên bản bàn giao thay cho chứng từ chất thải nguy hại.
Châu Văn Trọng
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Chất thải nguy hại có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kỳ kế toán năm đầu tiên ngắn hơn 90 ngày thì có được cộng qua năm sau để tính thành một kỳ kế toán năm không?
- Mẫu đơn dự thầu hồ sơ mời sơ tuyển dịch vụ phi tư vấn qua mạng mới nhất là mẫu nào? Tải về ở đâu?
- Cơ sở dịch vụ photocopy có phải xuất trình hồ sơ, giấy tờ liên quan đến hoạt động của cơ sở dịch vụ photocopy không?
- Mẫu lời chúc tốt nghiệp đại học ngắn gọn, hài hước dành cho bạn thân? Học xong bao nhiêu tín chỉ mới được tốt nghiệp đại học?
- Chuyển tải là gì? Chỉ được chuyển tải trên phương tiện vận tải đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan khi nào?