CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 146/2024/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 06
tháng 11 năm 2024
|
NGHỊ ĐỊNH
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG, BÃI BỎ MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 102/2022/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG
12 NĂM 2022 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ
CHỨC CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 26/2014/NĐ-CP NGÀY 07
THÁNG 4 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA, GIÁM SÁT
NGÀNH NGÂN HÀNG ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 43/2019/NĐ-CP NGÀY 17
THÁNG 5 NĂM 2019 CỦA CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ
chức tín dụng ngày 18 tháng 01 năm 2024;
Căn cứ Luật Thanh
tra ngày 14 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Luật Phòng,
chống rửa tiền ngày 15 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Luật Xử lý
vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13
tháng 11 năm 2020;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung,
bãi bỏ một số điều của Nghị định số 102/2022/NĐ-CP
ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Chính
phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã được sửa
đổi, bổ sung tại Nghị định số 43/2019/NĐ-CP
ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung
Điều 3 Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày
12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:
“Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Vụ Chính sách tiền tệ.
2. Vụ Quản lý ngoại hối.
3. Vụ Thanh toán.
4. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.
5. Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài
chính.
6. Vụ Hợp tác quốc tế.
7. Vụ Kiểm toán nội bộ.
8. Vụ Pháp chế.
9. Vụ Tài chính - Kế toán.
10. Vụ Tổ chức cán bộ.
11. Vụ Truyền thông.
12. Văn phòng.
13. Cục Công nghệ thông tin.
14. Cục Phát hành và kho quỹ.
15. Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.
16. Cục Phòng, chống rửa tiền.
17. Cục Quản trị.
18. Sở Giao dịch.
19. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
20. Các chi nhánh tại tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương.
21. Viện Chiến lược ngân hàng.
22. Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam.
23. Thời báo Ngân hàng.
24. Tạp chí Ngân hàng.
25. Học viện Ngân hàng.
Các đơn vị quy định từ khoản 1 đến khoản 20 Điều
này là đơn vị hành chính giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng
quản lý nhà nước và chức năng Ngân hàng Trung ương; các đơn vị quy định từ khoản
21 đến khoản 25 Điều này là đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước
của Ngân hàng Nhà nước.
Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định
tiền tệ, tài chính có 6 phòng. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Tổ chức cán bộ,
Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Hợp tác quốc tế có 5 phòng. Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ
Thanh toán, Vụ Kiểm toán nội bộ có 4 phòng. Vụ Pháp chế có 3 phòng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính
phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và danh sách các đơn vị sự nghiệp
công lập khác thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc
Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật, trừ Cơ quan Thanh tra, giám sát
ngân hàng.”
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ
một số điều của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Chính
phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã được sửa
đổi, bổ sung tại Nghị định số 43/2019/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Chính
phủ
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP như
sau:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về tổ chức và hoạt động của
Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng; thanh tra viên ngân hàng; trách nhiệm của
các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành
Ngân hàng.”
2. Sửa đổi khoản
2 Điều 2 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP như sau:
“2. Đối tượng giám sát của Thanh tra, giám sát
ngành Ngân hàng (sau đây gọi chung là đối tượng giám sát ngân hàng):
a) Đối tượng giám sát ngân hàng được quy định tại Điều 56 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bao gồm cả ngân hàng
chính sách và công ty con của tổ chức tín dụng;
b) Đối tượng khác theo quy định của pháp luật.”
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP đã
được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số
43/2019/NĐ-CP như sau:
“Điều 6. Hệ thống tổ chức của Thanh tra, giám
sát ngành Ngân hàng
Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng là cơ quan
thanh tra trong Ngân hàng Nhà nước, được tổ chức thành hệ thống gồm:
1. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc
Ngân hàng Nhà nước.
2. Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan
Thanh tra, giám sát ngân hàng.
3. Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng
Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Thanh
tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh).”
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3
Điều 1 Nghị định số 43/2019/NĐ-CP như sau:
“1. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị
tương đương Tổng cục, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, thực hiện chức năng tham
mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín
dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quản lý nhà nước về công tác thanh tra,
giám sát ngân hàng, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực, bảo hiểm tiền gửi; thực hiện nhiệm vụ thanh tra hành
chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm
vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại,
tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật và phân
công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
2. Cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát
ngân hàng gồm các Vụ, Cục, Văn phòng (sau đây gọi chung là các đơn vị thuộc Cơ
quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).
Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng được
ra quyết định thanh tra đối với các đối tượng thanh tra ngân hàng được giao (trừ
các cuộc thanh tra do Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng ra quyết định thanh
tra theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này), thực hiện
nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra và xử phạt vi phạm hành
chính theo quy định của pháp luật.”
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP đã
được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số
43/2019/NĐ-CP như sau:
“Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh
tra, giám sát ngân hàng
Chức danh của người đứng đầu của Cơ quan Thanh tra,
giám sát ngân hàng là Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng. Chánh Thanh tra,
giám sát ngân hàng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra,
giám sát trong phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; lãnh đạo Cơ
quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định
của pháp luật.
2. Xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của
các cơ quan thanh tra trong Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm
g khoản 2 Điều 55 của Luật Thanh tra; báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem
xét, quyết định việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của các cơ quan
thanh tra trong Ngân hàng Nhà nước với cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc
Chính phủ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 55 của Luật
Thanh tra.
3. Ra quyết định thanh tra đối với đối tượng thanh
tra ngân hàng thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo phân công của
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc theo yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước,
gồm các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo,
thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng, các cuộc thanh tra chuyên ngành lớn,
phức tạp, các cuộc thanh tra lại hoặc khi xét thấy cần thiết; thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn của người ra quyết định thanh tra; đề nghị Giám đốc Ngân hàng Nhà nước
chi nhánh cử thanh tra viên ngân hàng, công chức khác tham gia đoàn thanh tra;
trưng tập công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia đoàn
thanh tra.
4. Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu
hiệu vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra ngân hàng hoặc khi có dấu hiệu rủi
ro đe dọa đến sự an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài.
5. Quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận
của Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước
chi nhánh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
6. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc
khi có dấu hiệu rủi ro đe dọa đến sự an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài, yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh
chỉ đạo Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tiến hành thanh tra đối
với đối tượng thanh tra ngân hàng đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phân
công thực hiện; trường hợp Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh không thực hiện
yêu cầu thì báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.
7. Xem xét, xử lý những vấn đề liên quan đến công
tác thanh tra, giám sát mà Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi
nhánh không nhất trí với Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh; trường hợp Giám
đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh không đồng ý với việc xử lý thì Chánh Thanh
tra, giám sát ngân hàng báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.
8. Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đình chỉ theo
thẩm quyền việc thi hành quyết định trái pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà
nước của Ngân hàng Nhà nước được phát hiện qua thanh tra, giám sát.
9. Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải quyết
vấn đề liên quan đến công tác thanh tra, giám sát.
10. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi,
bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ,
hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra, giám
sát.
11. Xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị người
có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý
vi phạm hành chính.
12. Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét
trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra, giám sát hoặc không
thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, giám sát; yêu cầu
người đứng đầu cơ quan, tổ chức khác xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền
quản lý của cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật phát hiện qua thanh
tra, giám sát hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về
thanh tra, giám sát.
13. Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định
theo thẩm quyền và tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hoạt động
ngân hàng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước
của Ngân hàng Nhà nước.
14. Báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng
Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm được giao;
báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về các mặt công tác khác của Cơ quan Thanh
tra, giám sát ngân hàng.
15. Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng
cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện
chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
16. Quyết định việc thanh tra viên ngân hàng, công
chức khác thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiến hành các cuộc làm việc,
tiếp xúc trực tiếp đối tượng giám sát ngân hàng.
17. Quyết định mức độ giám sát đối với các đối tượng
giám sát ngân hàng, trừ trường hợp do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
18. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định
của pháp luật hoặc được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao.”
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP đã
được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số
43/2019/NĐ-CP như sau:
“Điều 18. Thẩm quyền ra quyết định thanh tra và
thanh tra lại
1. Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Cục trưởng
Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước
chi nhánh ban hành quyết định thanh tra.
2. Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng quyết định
thanh tra lại vụ việc đã được Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng,
Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh kết luận nhưng phát hiện
có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị,
phản ánh”.
7. Sửa đổi Điều
29 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP như sau:
“Điều 29. Xây dựng chính sách, văn bản quy phạm
pháp luật
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tham mưu, giúp
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong việc xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc
để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách,
văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động, an toàn hoạt động ngân hàng,
thanh tra, giám sát ngân hàng, bảo hiểm tiền gửi thuộc phạm vi trách nhiệm quản
lý của Ngân hàng Nhà nước.”
8. Bãi bỏ Điều
13 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP.
Điều 3. Hiệu lực và trách nhiệm
thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05
tháng 01 năm 2025.
2. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng và
các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, TCCV (2b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Hồ Đức Phớc
|