Biểu mẫu 28/08/2023 16:31 PM

Mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu mới nhất năm 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
28/08/2023 16:31 PM

Mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu mới nhất là mẫu nào? Yêu cầu với đơn đăng ký nhãn hiệu như thế nào? – Trúc Giang (Ninh Thuận)

Mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu mới nhất

Mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu mới nhất năm 2023 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu mới nhất năm 2023

Mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu mới nhất là mẫu số 08 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.

Mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu mới nhất

2. Yêu cầu với đơn đăng ký nhãn hiệu

- Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định nhãn hiệu cần bảo hộ trong đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm:

+ Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

+ Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

- Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu (nếu có); nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải được dịch ra tiếng Việt; nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó.

- Hàng hoá, dịch vụ nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu phải được xếp vào các nhóm phù hợp với bảng phân loại theo Thoả ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hoá và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố.

- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

+ Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu;

+ Các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể;

+ Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu;

+ Các điều kiện sử dụng nhãn hiệu;

+ Biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu.

- Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

+ Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhãn hiệu;

+ Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu;

+ Các đặc tính của hàng hoá, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu;

+ Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu;

+ Chi phí mà người sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, nếu có.

(Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi 2022)

3. Quyền đăng ký nhãn hiệu

- Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

- Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

- Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

- Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

- Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:

+ Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;

+ Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.

- Người có quyền đăng ký nhãn hiệu, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.

- Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

(Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi 2009)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,464

Bài viết về

lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]