Biểu mẫu 29/08/2023 09:01 AM

Mẫu tờ khai đăng ký sáng chế mới nhất năm 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
29/08/2023 09:01 AM

Mẫu tờ khai đăng ký sáng chế mới nhất là mẫu nào? Tờ khai đăng ký sáng chế và các tài liệu nộp kèm theo phải đáp ứng các yêu cầu nào? – Như Hảo (Bình Định)

Mẫu tờ khai đăng ký sáng chế mới nhất

Mẫu tờ khai đăng ký sáng chế mới nhất năm 2023 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Mẫu tờ khai đăng ký sáng chế mới nhất 2023

Mẫu tờ khai đăng ký sáng chế mới nhất là mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.

Mẫu tờ khai đăng ký sáng chế

2. Yêu cầu với tờ khai đăng ký sáng chế

Người nộp đơn phải điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu vào những chỗ thích hợp trong Tờ khai.

Tại mục “Phân loại sáng chế quốc tế” trong tờ khai, người nộp đơn cần nêu chỉ số phân loại giải pháp kỹ thuật cần bảo hộ theo Bảng phân loại quốc tế về sáng chế (theo Thỏa ước Strasbourg về phân loại sáng chế quốc tế) mới nhất được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp (phân loại đầy đủ, bao gồm phần, lớp, phân lớp, nhóm (nhóm chính hoặc nhóm phụ)). Nếu người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp sẽ phân loại và người nộp đơn phải nộp phí phân loại theo quy định.

3. Yêu cầu đối với tài liệu nộp kèm theo tờ khai đăng ký sáng chế

(i) Yêu cầu chung về hình thức của tài liệu

- Mọi tài liệu của đơn đều phải được trình bày theo chiều dọc (riêng hình vẽ, sơ đồ và bảng biểu có thể được trình bày theo chiều ngang) trên một mặt giấy khổ A4 (210mm x 297mm), riêng đối với tài liệu là bản đồ khu vực địa lý có thể được trình bày trên mặt giấy khổ A3 (420mm x 297mm), trong đó có chừa lề theo bốn phía, mỗi lề rộng 20mm, theo phông chữ Times New Roman, chữ không nhỏ hơn cỡ 13, trừ các tài liệu bổ trợ mà nguồn gốc tài liệu đó không nhằm để đưa vào đơn.

- Mỗi loại tài liệu trừ bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp, nếu bao gồm nhiều trang thì mỗi trang phải ghi số thứ tự trang đó bằng chữ số Ả-rập.

- Tài liệu phải được đánh máy hoặc in bằng loại mực khó phai mờ, một cách rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xóa, không sửa chữa; nếu tài liệu có từ 02 trang trở lên cần được đóng dấu giáp lai của người nộp đơn/cơ quan ban hành tài liệu (nếu có); trường hợp phát hiện có sai sót không đáng kể thuộc về lỗi chính tả trong tài liệu đã nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thì người nộp đơn có thể sửa chữa các lỗi đó, nhưng tại chỗ bị sửa chữa phải có chữ ký xác nhận (và đóng dấu, nếu có) của người nộp đơn.

- Thuật ngữ dùng trong đơn phải thống nhất và là thuật ngữ phổ thông (không dùng tiếng địa phương, từ hiếm, từ tự tạo). Ký hiệu, đơn vị đo lường, phông chữ điện tử, quy tắc chính tả dùng trong đơn phải theo tiêu chuẩn Việt Nam.

- Đối với tài liệu cần lập theo mẫu thì bắt buộc phải sử dụng các mẫu đó.

(ii) Bản mô tả sáng chế

2.1.1. Bản mô tả sáng chế có thể bao gồm bản vẽ (nếu cần) để minh họa sáng chế. Phần mô tả phải phù hợp với các quy định sau đây:

a) Phần mô tả thuộc bản mô tả sáng chế phải bộc lộ hoàn toàn bản chất của giải pháp kỹ thuật được yêu cầu bảo hộ. Trong phần mô tả phải có đầy đủ các thông tin đến mức căn cứ vào đó, bất kỳ người nào có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng đều có thể thực hiện được giải pháp đó; phải làm rõ tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp của giải pháp kỹ thuật (nếu văn bằng bảo hộ yêu cầu được cấp là Bằng độc quyền sáng chế); làm rõ tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp của giải pháp kỹ thuật (nếu văn bằng bảo hộ yêu cầu được cấp là Bằng độc quyền giải pháp hữu ích).

b) Phần mô tả phải bao gồm các nội dung được thể hiện theo trình tự sau đây:

b1) Tên sáng chế: thể hiện vắn tắt đối tượng hoặc một số hoặc tất cả các đối tượng cần bảo hộ nếu đơn yêu cầu bảo hộ nhiều đối tượng (sau đây gọi là “đối tượng”); tên sáng chế phải ngắn gọn, chính xác và không được mang tính khuếch trương hoặc quảng cáo;

b2) Lĩnh vực sử dụng sáng chế: lĩnh vực trong đó đối tượng được sử dụng hoặc liên quan. Nếu sáng chế được sử dụng hoặc có liên quan tới nhiều lĩnh vực thì phải chỉ ra tất cả các lĩnh vực đó. Các lĩnh vực nêu trên phải phù hợp với kết quả phân loại sáng chế;

b3) Tình trạng kỹ thuật của sáng chế: tình trạng kỹ thuật thuộc lĩnh vực sử dụng sáng chế tại thời điểm nộp đơn (các đối tượng tương tự đã biết (nếu có)). Nếu không có thông tin về tình trạng kỹ thuật của sáng chế thì phải ghi rõ điều này;

b4) Mục đích của sáng chế: cần chỉ rõ mục đích mà sáng chế cần đạt được hoặc nhiệm vụ (vấn đề) mà sáng chế cần giải quyết (ví dụ nhằm khắc phục nhược điểm, hạn chế của giải pháp kỹ thuật đã được chỉ ra trong phần Tình trạng kỹ thuật của sáng chế). Mục đích hoặc nhiệm vụ của sáng chế phải được trình bày một cách khách quan, cụ thể, không mang tính khuếch trương, quảng cáo;

b5) Bản chất kỹ thuật của sáng chế: bản chất của đối tượng cần bảo hộ, trong đó phải nêu rõ:

- Vấn đề kỹ thuật cần giải quyết (mục đích của sáng chế);

- Các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật tạo nên đối tượng yêu cầu bảo hộ, tức là các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật cấu thành giải pháp nhằm đạt được mục đích của sáng chế (gọi là dấu hiệu kỹ thuật cơ bản); và phải chỉ ra các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật mới so với các giải pháp kỹ thuật tương tự đã biết;

- Những lợi ích (hiệu quả) có thể đạt được so với tình trạng kỹ thuật (nếu có). Nội dung này có thể mô tả thành một phần riêng, như quy định tại điểm b9 mục này.

b6) Mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo (nếu có);

b7) Mô tả chi tiết các phương án thực hiện sáng chế: mô tả chi tiết một hoặc một số phương án thực hiện sáng chế sao cho người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế;

b8) Ví dụ thực hiện sáng chế (nếu có): cần chỉ ra được một hoặc một số phương án thực hiện sáng chế cụ thể. Nếu sáng chế được đặc trưng bởi các dấu hiệu định lượng thì phải chỉ ra trị số cụ thể của dấu hiệu đó, nếu không định lượng được thì phải chỉ ra được trạng thái xác định của dấu hiệu đó. Ngoài ra, cần có các kết quả cụ thể liên quan đến chức năng, mục đích mà đối tượng tương ứng cho phép đạt được;

b9) Những lợi ích (hiệu quả) có thể đạt được (nếu có và nếu chưa nêu trong phần bản chất kỹ thuật của sáng chế): có thể được thể hiện dưới dạng nâng cao năng suất, chất lượng, độ chính xác hay hiệu quả; tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, nguyên liệu; đơn giản hóa hay tạo ra sự thuận tiện khi xử lý, vận hành, quản lý hay sử dụng; khắc phục sự ô nhiễm của môi trường... Nếu lợi ích (hiệu quả) có thể đạt được viện dẫn đến những kết quả thống kê từ các dữ liệu thực nghiệm, người nộp đơn phải cung cấp những điều kiện và các phương pháp thực nghiệm cần thiết đó.

c) Phạm vi bảo hộ sáng chế (sau đây gọi là “phạm vi bảo hộ” hoặc “yêu cầu bảo hộ”):

Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với phần mô tả và hình vẽ, trong đó phải làm rõ những dấu hiệu mới của đối tượng yêu cầu bảo hộ (sau đây gọi là “đối tượng”) và phải phù hợp với các quy định sau đây:

c1) Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải được phần mô tả minh họa một cách đầy đủ, bao gồm các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản cần và đủ để xác định được đối tượng, để đạt được mục đích đề ra và để phân biệt đối tượng yêu cầu bảo hộ với đối tượng đã biết;

c2) Các dấu hiệu kỹ thuật trong phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải rõ ràng, chính xác và được chấp nhận trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng; các thuật ngữ được sử dụng trong phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải rõ ràng và thống nhất với các thuật ngữ được sử dụng trong phần mô tả;

c3) Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ không được viện dẫn đến phần mô tả và hình vẽ, trừ trường hợp viện dẫn đến những phần không thể mô tả chính xác bằng lời, như trình tự nucleotit và trình tự axit amin, nhiễu xạ đồ, giản đồ trạng thái...;

c4) Nếu đơn có hình vẽ minh họa yêu cầu bảo hộ thì dấu hiệu nêu trong phạm vi (yêu cầu) bảo hộ có thể kèm theo các số chỉ dẫn, nhưng phải đặt trong ngoặc đơn. Các số chỉ dẫn này không bị coi là làm giới hạn phạm vi (yêu cầu) bảo hộ;

c5) Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ nên (nhưng không bắt buộc) được thể hiện thành hai phần: “Phần giới hạn” và “Phần khác biệt”, trong đó: “Phần giới hạn” bao gồm tên đối tượng và những dấu hiệu của đối tượng đó trùng với các dấu hiệu của đối tượng đã biết gần nhất và được nối với “Phần khác biệt” bởi cụm từ “khác biệt ở chỗ” hoặc “đặc trưng ở chỗ” hoặc các từ tương đương; “Phần khác biệt” bao gồm các dấu hiệu khác biệt của đối tượng so với đối tượng đã biết gần nhất và các dấu hiệu này kết hợp với các dấu hiệu của “Phần giới hạn” cấu thành đối tượng yêu cầu bảo hộ;

c6) Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ có thể bao gồm một hoặc nhiều điểm. Trong đó phạm vi (yêu cầu) bảo hộ nhiều điểm có thể được dùng để thể hiện một đối tượng cần bảo hộ, với điểm đầu tiên (gọi là điểm độc lập) và điểm (các điểm) tiếp theo dùng để cụ thể hóa điểm độc lập (gọi là điểm phụ thuộc); hoặc thể hiện một nhóm đối tượng yêu cầu được bảo hộ, với một số điểm độc lập, mỗi điểm độc lập thể hiện một đối tượng yêu cầu được bảo hộ trong nhóm đó, mỗi điểm độc lập này có thể có điểm (các điểm) phụ thuộc. Mỗi điểm yêu cầu bảo hộ chỉ được đề cập đến một đối tượng yêu cầu bảo hộ và phải được thể hiện bằng một câu duy nhất;

c7) Các điểm của phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải được đánh số liên tiếp bằng chữ số Ả-rập, kết thúc bằng dấu chấm;

c8) Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ nhiều điểm dùng để thể hiện một nhóm đối tượng phải đáp ứng các yêu cầu: các điểm độc lập, thể hiện các đối tượng riêng biệt, không được viện dẫn đến các điểm khác của phạm vi (yêu cầu) bảo hộ, trừ trường hợp việc viện dẫn đó cho phép tránh được việc lặp lại hoàn toàn nội dung của điểm khác; các điểm phụ thuộc phải được thể hiện ngay sau điểm độc lập mà chúng phụ thuộc.

2.1.2. Đối với đơn đăng ký sáng chế liên quan đến công nghệ sinh học, ngoài yêu cầu chung đối với phần mô tả sáng chế quy định tại mục 2.1.1 nêu trên, đơn phải phù hợp với các yêu cầu sau đây:

a) Đối với đơn đăng ký sáng chế về trình tự gen hoặc một phần trình tự gen, phần mô tả phải có danh mục trình tự gen được thể hiện theo tiêu chuẩn của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới về thể hiện danh mục trình tự nucleotit và trình tự axit amin trong đơn đăng ký sáng chế. Danh mục trình tự được thể hiện thành một phần riêng và đặt ở phía cuối bản mô tả.

b) Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có thể yêu cầu người nộp đơn nộp vật mang tin điện tử (ví dụ đĩa mềm, đĩa quang...) đọc được bằng các phương tiện điện tử thông dụng trong đó ghi trình tự nucleotit và trình tự axit amin trùng với danh mục trình tự nêu trong phần mô tả.

c) Riêng đối với sáng chế về hoặc liên quan tới vật liệu sinh học không thể mô tả được hoặc không thể mô tả đầy đủ đến mức người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực công nghệ sinh học có thể thực hiện được thì sáng chế chỉ được coi là được bộc lộ đầy đủ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

c1) Mẫu vật liệu sinh học đã được nộp lưu tại cơ quan lưu giữ có thẩm quyền theo quy định của pháp luật không muộn hơn ngày nộp đơn;

c2) Trong phần mô tả có nêu rõ các thông tin cần thiết về đặc tính của vật liệu sinh học mà người nộp đơn có thể có được;

c3) Trong tờ khai có nêu rõ cơ quan lưu giữ vật liệu sinh học, số hiệu lưu giữ của mẫu vật liệu sinh học đã được nộp lưu do cơ quan lưu giữ cấp và tài liệu xác nhận các thông tin này được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trong thời hạn 16 tháng kể từ ngày ưu tiên, hoặc không muộn hơn ngày nộp yêu cầu công bố đơn sớm (nếu có) tùy theo thời điểm nào sớm hơn, trừ trường hợp việc nộp lưu được thực hiện theo quy định của Quy chế thi hành Hiệp ước PCT.

d) Trường hợp người nộp đơn không phải là người nộp lưu vật liệu sinh học, trong tờ khai phải nêu rõ tên và địa chỉ của người nộp lưu và tài liệu xác nhận việc sử dụng hợp pháp vật liệu sinh học phải nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trong thời hạn 16 tháng kể từ ngày ưu tiên, hoặc không muộn hơn ngày nộp yêu cầu công bố đơn sớm (nếu có) tùy theo thời điểm nào sớm hơn, trừ trường hợp việc nộp lưu được thực hiện theo quy định của Quy chế thi hành Hiệp ước PCT.

2.1.3. Đối với đơn đăng ký sáng chế liên quan đến dược phẩm, ngoài yêu cầu chung đối với bản mô tả sáng chế quy định tại mục 2.1.1 nêu trên, phần mô tả phải nêu kết quả của các thử nghiệm lâm sàng và/hoặc tác dụng dược lý của dược phẩm, ít nhất phải bao gồm các thông tin sau đây:

a) Chất/hỗn hợp được sử dụng;

b) Phương pháp (hệ) thử nghiệm được sử dụng;

c) Kết quả thử nghiệm;

d) Mối tương quan giữa kết quả về tác dụng dược lý thu được trong thử nghiệm với ứng dụng thực tế của dược phẩm trong phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh.

(iii) Bản tóm tắt sáng chế

Bản tóm tắt sáng chế được dùng để mô tả một cách vắn tắt (không nên quá 150 từ) về sáng chế yêu cầu bảo hộ. Bản tóm tắt phải bộc lộ những nội dung chủ yếu về bản chất của giải pháp kỹ thuật chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin. Bản tóm tắt có thể có hình vẽ, công thức đặc trưng. Tất cả các hình vẽ, công thức đặc trưng (nếu có) chỉ được trình bày trong một nửa trang A4 và phải rõ ràng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,014

Bài viết về

lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]