Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 sẽ sớm hoàn thiện (Hình từ internet)
Vào ngày 06/5/2024, Thông báo 203/TB-VPCP đã kết luận phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Qua kết luận, thấy được quá trình chuyển đổi số đã và đang thực hiện một cách tích cực trong việc tiếp cận quá trình phát triển chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số đến trong cuộc sống của nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để duy trì cũng như đưa quá trình chuyển đổi số nhanh chóng hơn thì cần đưa ra những giải pháp, nhiệm vụ cho từng cơ quan. Trong số đó, nhiệm vụ nổi bật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2024 ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến cho dự thảo Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 theo nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết 124/NQ-CP ngày 07/8/2023.
Có thể thấy, kết luận phiên họp lần thứ 8 đã đã chỉ ra việc khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 là điều rất cần thiết.
Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là yếu tố quan trọng để sớm đạt mục tiêu đến năm 2030, sẽ tạo điều kiện cho nguồn nhân lực cũng như đội ngũ kỹ sư Việt Nam có cơ hội tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại (từ front-end đến back-end). Ngoài ra, các kỹ sư có khả năng tham gia sâu vào công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử. Bên cạnh đó, kỹ sư Việt Nam còn được tham gia làm việc trong các nhà máy sản xuất bán dẫn, từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất.
Hiện nay, nhìn chung Việt Nam đã có những điều kiện và yếu tố cần thiết, thuận lợi để có thể phát triển công nghiệp bán dẫn như hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ dồi dào, kết cấu hạ tầng số ngày một được củng cố, phát triển.
Đặc biệt, ở Việt Nam thời điểm này cũng đã xuất hiện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor... Có thể nói, đây là minh chứng lớn chứng tỏ vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Trên thực tế, Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn, quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn đến năm 2030; Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.
Vào năm 2023, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, giao Chính phủ xây dựng Nghị định, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn và dự kiến sẽ ban hành vào giữa năm nay.
Có thể thấy, sắp tới Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được ban hành sẽ giúp cho nguồn nhân lực nước nhà trong ngành công nghiệp bán dẫn được củng cố và phát triển hơn rất nhiều. Điều này cũng một phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở nước ta được thực hiện nhanh hơn.
Nguyễn Hữu Hiệp