Đến 2017, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ có thể sẽ không còn nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Như VnEconomy đã thông tin, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh đang được Bộ Kế hoạch và Đâu tư gấp rút tham vấn ý kiến để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.
Một trong 12 luật được sửa đổi là Luật Đầu tư, và nội dung được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm là sự điều chỉnh danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Ngay trong quá trình soạn thảo Luật Đầu tư (được Quốc hội thông qua cuối năm 2014) thì quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã là công việc vô cùng gian nan vất vả. Bởi nó liên quan đến nhiều bộ, ngành, và không loại trừ cả lực cản từ lợi ích cục bộ.
Vật vã đến phút chót, song 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện vừa được thông qua đã vấp ngay phải những phản biện, không chỉ của giới doanh nhân.
Và, cho đến trước 1-7-2016 - thời điểm hết hiệu lực của quy định về điều kiện kinh doanh do các bộ ban hành và các nghị định về điều kiện kinh doanh phải được ban hành bởi Chính phủ - thì câu chuyện về điều kiện kinh doanh lại càng sôi sùng sục trong những cuộc làm việc kéo dài cả mấy ngày trời.
Khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản dài đến hơn 200 trang phân tích sự cần thiết bãi bỏ và sửa đổi nhiều quy định về điều kiện kinh doanh.
Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là một trong những ngành nghề được VCCI kiến nghị bỏ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì, các giao dịch mua bán nợ cũng như dịch vụ mua bán nợ chỉ liên quan tới các chủ thể tham gia, và hoàn toàn không có ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng.
Mà theo Luật Đầu tư thì điều kiện kinh doanh được áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng".
Phân tích từ VCCI cho thấy, khung khổ pháp luật hiện tại đã đủ để điều chỉnh hoạt động mua bán nợ và dịch vụ mua bán nợ.
Khoảng 30 ngành nghề kinh doanh khác cũng được VCCI đề nghị bãi bỏ quy định về điều kiện kinh doanh, trong đó có các ngành nghề như kinh doanh dịch vụ đào tạo đại lý bảo hiểm, dịch vụ bảo hành bảo dưỡng xe ô tô, dịch vụ sát hạch lái xe, dịch vụ mang thai hộ, hoạt động in, đúc tiền....
Theo dự thảo luật được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại hội thảo chiều 26/8 vừa qua, điều kiện kinh doanh các ngành nghề kinh doanh nói trên đều đã được bãi bỏ.
Một số ngành nghề khác cũng nằm trong danh mục đề xuất bãi bỏ điều kiện kinh doanh, như sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Nhập khẩu hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành của ngân hàng nhà nước (cửa kho tiền)...
Cơ quan soạn thảo dự luật đề xuất bổ sung một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Gồm kinh doanh các dịch vụ: thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, quản lý vận hành nhà chung cư, quản lý vận hành cơ sở hoả táng, tư vấn lập quy hoạch trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, phát hành và phổ biến phim.
Các hoạt động tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, dịch vụ tư vấn du học, dự báo cảnh báo khí tượng thuỷ văn, dịch vụ đánh giá sự phù hợp, kiểm toán năng lượng, đóng mới cải hoán tàu cá, dịch vụ đăng ký và duy trì tên miền trên Internet... cũng nằm trong danh mục được bổ sung.
Tại sao lại bãi bỏ điều kiện kinh doanh của 67 ngành nghề và bổ sung điều kiện cho nhiều ngành nghề khác như đã nêu trên là câu hỏi ban soạn thảo luật phải trả lời cặn kẽ với các vị đại biểu Quốc hội.
Riêng với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dù nhất trí rất cao cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, song một số ý kiến cho rằng các quy định về điều kiện kinh doanh của Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ 1/7/2016 đã đòi sửa là thiếu căn cứ, nếu đồng ý sửa là hồ đồ.
Theo VnEconomy