Thông qua Quốc hội (QH), Chính phủ (CP), TANDTC, VKSNDTC, MTTQ Việt Nam, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ..., các ý kiến của nhân dân góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) trong ba tháng qua đã được tổng hợp phân tích. Nhiều báo cáo tổng hợp, kèm theo kiến nghị đã được chuyển cho UB dự thảo HP sửa đổi.
Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân
Ở các vấn đề chung của HP, CP đề nghị Lời nói đầu viết gọn lại, theo hướng thể hiện vai trò của HP trong lịch sử dân tộc và trong nhà nước pháp quyền, là đạo luật cơ bản của Nhà nước và xã hội, do nhân dân đồng lòng xây dựng và thi hành. Đây cũng là ý kiến tổng hợp từ nhánh lập pháp. MTTQ Việt Nam và CP còn chung quan điểm quyền lập hiến thuộc về nhân dân, trong đó MTTQ kiến nghị HP sau khi được QH thông qua phải được trưng cầu dân ý trước khi có hiệu lực.
Đại biểu dự hội nghị lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp do MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 27/2. Ảnh: Minh Thăng
Về điều 2 dự thảo, cũng như Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ và MTTQ Việt Nam, CP kiến nghị không đưa vấn đề nền tảng giai cấp vào HP. Như vậy là kế thừa tinh hoa của các bản HP trước đây, trong đó HP các năm 1946, 1959, 1980 chỉ quy định ngắn gọn tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, không có phần đuôi “nền tảng là liên minh giai cấp...”.
Đáng chú ý, CP với Thủ tướng là người đứng đầu và Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ do Chủ tịch nước làm trưởng ban có chung kiến nghị là bổ sung vào HP chế định Hội đồng Tư pháp quốc gia do Chủ tịch nước làm chủ tịch. Hội đồng có chức năng phối hợp các nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp thực hiện các nhiệm vụ hành chính - tư pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy độc lập của tòa án - cơ quan thực hiện quyền tư pháp, nhiệm vụ chính là xét xử.
MTTQ Việt Nam, CP và Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ còn gặp nhau ở kiến nghị bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Hội đồng HP, trong đó đáng chú ý là quyền giải thích HP (chuyển từ Ủy ban Thường vụ QH sang), và bổ sung quyền xem xét và quyết định áp dụng chế tài đối với các văn bản pháp luật vi hiến (chẳng hạn thẩm quyền tạm đình chỉ thi hành văn bản vi hiến và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bãi bỏ...).
Cũng giống như Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ và TANDTC, CP kiến nghị chuyển thẩm quyền giải thích luật từ Ủy ban Thường vụ QH sang cho TANDTC. Ngoài ra, bổ sung cho TANDTC thẩm quyền ban hành án lệ, phù hợp với tinh thần nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Sở hữu đất đai
Về vấn đề sở hữu đất đai, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, cả ở CP và MTTQ Việt Nam đều có những tranh luận. Nổi lên là hai quan điểm: Bỏ quy định Nhà nước thu hồi đất với các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Thay vào đó, trong trường hợp cần thiết thì coi đó là thu hồi vì lợi ích công cộng, hoặc để QH quyết định danh mục các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thực hiện theo cách QH, CP quyết định thu hồi đất.
Đáng chú ý, kiến nghị của MTTQ Việt Nam đề xuất phương án thừa nhận sở hữu tư nhân hạn chế về đất đai bên cạnh nguyên tắc chung là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý.
Tất cả ý kiến trên đã được Ủy ban dự thảo HP sửa đổi tiếp thu, thể hiện thành nhiều phương án để thảo luận rộng rãi. Bản dự thảo HP mới được Ủy ban Thường vụ QH thảo luận hôm nay, 12/4. Sau đó dự thảo sẽ được hoàn chỉnh thêm để chuẩn bị đưa ra hội nghị Trung ương 7 (dự kiến khai mạc vào đầu tháng 5) để thảo luận tiếp. Kỳ họp QH khai mạc nửa cuối tháng 5 sẽ tiếp tục góp ý cho dự thảo HP này và như vậy nhân dân sẽ tiếp tục tham gia ý kiến về sửa đổi HP ở bản dự thảo mới tới hết tháng 9.
Theo Pháp luật TP.HCM