Với 4 chương, 12 điều, thông tư của Ngân hàng Nhà nước đề cập
đến một số nội dung chính như đối tượng được vay vốn hỗ trợ, ngân hàng thương mại
thực hiện, tổng giá trị gói hỗ trợ, mục đích vay vốn…
Theo đó, đối tượng được vay vốn hỗ trợ sẽ bao gồm: người mua, thuê, thuê mua
nhà ở xã hội và thuê mua nhà thương mại có diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới
15 triệu đồng/m2; doanh nghiệp là chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà thương
mại nhưng được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội.
Ngân hàng Nhà nước cũng ấn định 5 ngân hàng thương mại đứng ra tổ chức cho vay
hỗ trợ lần này, gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
(Agribank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công
Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và
Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (HD Bank).
Thông tư của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, các ngân hàng trên sẽ dành khoảng 30
nghìn tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ nhà ở cho
các đối tượng đủ điều kiện theo quy định, trong đó dành tối đa 30% để cho vay đối
với các doanh nghiệp là chủ dự án nói trên, với thời hạn giải ngân tối đa là 36
tháng kể từ ngày thông tư có hiệu lực (1/6/2013).
Đối với thời hạn cho vay, đối với các đối tượng vay để thuê, mua nhà tối đa là
10 năm, đối với doanh nghiệp tối đa là 5 năm. Đây cũng là thời hạn nhận ưu đãi
về lãi suất đối với hai nhóm đối tượng nói trên, nhưng không quá 1/6/2023.
Điểm đáng chú ý trong thông tư là quy định về mức lãi suất hỗ trợ. Theo
đó, mức lãi suất hỗ trợ sẽ được Ngân hàng Nhà nước công bố hàng năm và áp dụng
cho các khoản vay có dư nợ trong năm, trong đó năm 2013 sẽ áp dụng lãi suất
6%/năm.
Định kỳ vào tháng 12 hàng năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ xác định và công bố lại mức
lãi suất áp dụng cho các năm tiếp theo, bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình
quân của các ngân hàng cho vay trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm.
Các ngân hàng sẽ quy định vốn tối thiểu tham gia vào dự án, phương án vay của
khách hàng mua, thuê nhà ở, không vượt quá 20% dự án, phương án vay và không vượt
quá 30% dự án, phương án vay đối với khách hàng là doanh nghiệp. Trường hợp vay
để thuê, mua nhà ở đã thanh toán đủ 20% giá trị căn nhà thì ngân hàng không quy
định mức vốn tối thiểu.
Về quy định tái cấp vốn, Ngân hàng Nhà nước hướng sẽ thực hiện giải ngân cho
vay tái cấp vốn khoảng 30 nghìn tỷ đồng đối với các ngân hàng trên cơ sở dư nợ
cho vay, nhưng tối đa không quá 36 tháng. Tổng số tiền tái cấp vốn cụ thể sẽ do
Thống đốc quyết định. Lãi suất tái cấp vốn thấp hơn lãi suất cho vay của ngân
hàng đối với khách hàng là 1,5%/năm tại cùng thời điểm.
Như vậy, so với bản dự thảo được Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây, trong
thông tư chính thức, đối tượng hưởng hỗ trợ lãi suất khi vay vốn đã có bổ sung
thêm đối tượng mua nhà ở xã hội. Đây là một sự điều chỉnh quan trọng của Ngân
hàng Nhà nước, sau khi cơ quan này nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các
chuyên gia, báo chí về sự thiếu thực tế trong quy định các đối tượng hưởng thụ
chính sách ưu đãi này.
Ngoài ra, trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ấn định
cụ thể giá trị phần trăm gói vay đối với các doanh nghiệp đầu tư dự án (30%) và
cá nhân vay thuê, mua nhà (70%), thay vì phân bổ đồng đều 50/50 như dự tính.
Cũng trong sáng 15/5, Bộ Xây dựng đã ký ban hành Thông tư 07/2013, hướng dẫn việc
xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính
phủ.
Song Hà
Theo VnEconomy