Ngày 01/8/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 5488/VPCP-NN về dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.
Văn bản nêu rõ, xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở rà soát, thống nhất các nội dung dưới đây, hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Nghị định, trình Chính phủ trong tháng 8/2024:
- Đánh giá kỹ, đầy đủ và toàn diện tác động kinh tế - xã hội đối với những nội dung thay đổi về phạm vi điều chỉnh, các chính sách đề xuất so với nội dung đã được Lãnh đạo Chính phủ thông qua tại Công văn 3818/VPCP-NN năm 2022 của Văn phòng Chính phủ.
Trước đó vào năm 2022, tại Công văn 3818/VPCP-NN Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ trong tháng 12 năm 2022; các nội dung chính sách phải bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả, khả thi, đúng thẩm quyền của Chính phủ, phù hợp với quy định của pháp luật.
Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và những nội dung trọng tâm (Hình từ internet)
- Rà soát các tiêu chí kinh tế trang trại, làm rõ sự cần thiết, căn cứ, cơ sở đề xuất một số tiêu chí mang tính định tính (tuân thủ quy định pháp luật chuyên ngành liên quan; đảm bảo điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn lao động, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến; hoạt động phi nông nghiệp kết hợp đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan và sự phát triển của sản xuất nông nghiệp; tuân thủ quy định pháp luật về đất đai; chủ trang trại có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý trang trại); hồ sơ, trình tự, thủ tục, cơ quan có thẩm quyền đánh giá, công nhận đối với các tiêu chí này.
- Đánh giá kỹ sự cần thiết quy định về cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại; làm rõ các chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn có yêu cầu hoặc không yêu cầu trang trại (hoặc chủ trang trại) phải có giấy chứng nhận kinh tế trang trại; sự phù hợp của quy định cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại với các quy định của pháp luật có liên quan về chăn nuôi, đầu tư, đăng ký kinh doanh.
- Rà soát lại nội dung dự thảo quy định về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, đảm bảo thống nhất với mục đích, tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến tham gia của các Bộ, cơ quan liên quan. Thống nhất các nội dung liên quan đến chức năng quản lý ngành, lĩnh vực của các Bộ, cơ quan: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trường hợp còn ý kiến khác nhau giữa các bộ, cơ quan về các nội dung của dự thảo Nghị định, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì làm việc với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan để trao đổi, thống nhất trước khi trình Chính phủ theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ.
Tại Điều 183 Luật Đất đai 2024 quy định: Đất chăn nuôi tập trung là đất xây dựng trang trại chăn nuôi tại khu vực riêng biệt theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.
Việc sử dụng đất chăn nuôi tập trung phải tuân thủ các quy định sau đây:
- Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, quản lý chất thải và biện pháp khác để không ảnh hưởng đến người sử dụng đất trong khu vực và xung quanh;
- Trường hợp sử dụng đất chăn nuôi tập trung mà có xây dựng công trình gắn liền với đất thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng.
Tổ chức kinh tế, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư chăn nuôi tập trung.
Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật để thực hiện dự án chăn nuôi tập trung.