Mức phí khai thác và sử dụng bản đồ địa chính từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
06/08/2024 14:15 PM

Sau đây là mức phí khai thác và sử dụng bản đồ địa chính từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.

Mức phí khai thác và sử dụng bản đồ địa chính từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai mới nhất

Mức phí khai thác và sử dụng bản đồ địa chính từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai mới nhất (Hình từ Internet)

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 56/2024/TT-BTC ngày 31/7/2024 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.

1. Bản đồ địa chính là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các đối tượng địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính cấp xã hoặc theo đơn vị hành chính cấp huyện nơi không thành lập đơn vị hành chính cấp xã, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

2. Mức phí khai thác và sử dụng bản đồ địa chính từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai mới nhất

Theo mức thu phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 56/2024/TT-BTC thì mức phí khai thác và sử dụng bản đồ địa chính từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai như sau:

TT

Loại tài liệu

Đơn vị tính

Mức thu (đồng)

Ghi chú

 

Bản đồ địa chính

Mảnh tỷ lệ 1:200

150.000

- Mức thu tính cho mảnh bản đồ dạng số Vector. Trường hợp mảnh bản đồ dạng ảnh Raster (geoPDF, PDF, geoTIFF, TIFF, EPS, ECW, JPG) thì mức thu tính bằng 50% mức thu mảnh bản đồ Vector cùng tỷ lệ

 

- Trường hợp mảnh trích đo địa chính thì mức thu tính bằng mức thu mảnh bản đồ dạng số Vector cùng tỷ lệ

Mảnh tỷ lệ 1:500

200.000

Mảnh tỷ lệ 1:1.000

250.000

Mảnh tỷ lệ 1:2.000

500.000

Mảnh tỷ lệ 1:5.000

750.000

Mảnh tỷ lệ 1:10.000

1.000.000

3. Nguyên tắc, mục đích đo đạc lập bản đồ địa chính

Nguyên tắc, mục đích đo đạc lập bản đồ địa chính theo Điều 3 Nghị định 101/2024/NĐ-CP như sau:

- Việc đo đạc lập bản đồ địa chính phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

+ Đảm bảo thống nhất trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000;

+ Phản ánh trung thực, khách quan hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng quản lý đất và ghi nhận tình trạng pháp lý của thửa đất tại thời điểm đo đạc;

+ Ưu tiên ứng dụng công nghệ mới đảm bảo hiệu quả kinh tế, phù hợp với khu vực đo đạc và quy định kỹ thuật về đo đạc lập bản đồ địa chính;

+ Bản đồ địa chính sau khi được phê duyệt phải đưa vào sử dụng cho công tác quản lý đất đai.

- Bản đồ địa chính được lập để sử dụng cho các mục đích sau:

+ Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;

+ Thống kê, kiểm kê đất đai; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất; trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; điều tra, đánh giá đất đai;

+ Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất; xử lý vi phạm pháp luật đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai;

+ Các mục đích quản lý đất đai khác theo quy định của pháp luật.

4. Nội dung và hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính

Nội dung và hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính theo Điều 4 Nghị định 101/2024/NĐ-CP như sau:

- Nội dung chính của bản đồ địa chính gồm:

+ Thửa đất: Ranh giới thửa đất, loại đất, số thứ tự thửa đất, diện tích thửa đất;

+ Các yếu tố khác liên quan đến nội dung bản đồ địa chính bao gồm: Khung bản đồ; điểm khống chế tọa độ, độ cao; mốc địa giới và đường địa giới đơn vị hành chính các cấp; các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất; nhà ở và công trình xây dựng khác; địa vật, công trình có ý nghĩa định hướng cao; mốc giới quy hoạch; chỉ giới hành lang bảo vệ an toàn các công trình theo quy định của pháp luật; ghi chú thuyết minh; dáng đất hoặc điểm ghi chú độ cao (nếu có).

- Hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính gồm:

+ Đo đạc lập mới bản đồ địa chính đối với khu vực chưa có bản đồ địa chính gắn với hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia;

+ Đo đạc lập lại bản đồ địa chính đối với khu vực đã có bản đồ địa chính nhưng đã thay đổi ranh giới của 75% thửa đất trở lên khi thực hiện dồn điền, đổi thửa; khu vực chỉ có bản đồ địa chính dạng giấy đã rách nát, hư hỏng không thể khôi phục và không thể sử dụng để số hóa; khu vực đã có bản đồ địa chính được lập bằng phương pháp ảnh hàng không, phương pháp bàn đạc bằng máy kinh vĩ quang cơ có tỷ lệ bản đồ nhỏ hơn so với tỷ lệ bản đồ cần đo vẽ theo quy định; khu vực đã thực hiện quy hoạch sử dụng đất để hình thành các khu trung tâm hành chính, khu đô thị, khu dân cư, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp;

+ Đo đạc bổ sung bản đồ địa chính thực hiện đối với khu vực đã có bản đồ địa chính nhưng chưa đo vẽ khép kín phạm vi đơn vị hành chính, bao gồm cả khu vực đã do khoanh bao trên mảnh bản đồ địa chính trước đó nhưng chưa đo chi tiết đến từng thửa đất;

+ Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính thực hiện với khu vực đã có bản đồ địa chính khi có sự thay đổi một trong các yếu tố về hình dạng, kích thước, diện tích thửa đất và các yếu tố khác có liên quan đến nội dung bản đồ địa chính;

+ Số hóa, chuyển hệ tọa độ bản đồ địa chính thực hiện ở những khu vực chỉ có bản đồ địa chính giấy lập trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ HN-72 nay chuyển thành bản đồ địa chính số trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000 (sau đây gọi là hệ VN-2000);

+ Trích đo bản đồ địa chính được thực hiện riêng đối với từng thửa đất hoặc nhiều thửa đất trong phạm vi một mảnh trích đo bản đồ địa chính theo tỷ lệ cần thành lập đối với nơi chưa có bản đồ địa chính.

- Điều kiện thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 101/2024/NĐ-CP như sau:

+  Hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 4 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì lập thiết kế kỹ thuật - dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai, trừ trường hợp chỉnh lý bản đồ địa chính thực hiện thường xuyên theo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai;

+ Hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính quy định tại điểm đ và điểm e khoản 2 Điều 4 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì lập phương án nhiệm vụ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai, trừ hoạt động trích đo bản đồ địa chính thực hiện theo nhu cầu của người sử dụng đất mà không sử dụng ngân sách nhà nước thì theo hợp đồng dịch vụ;

+ Trường hợp thực hiện đồng thời một trong các hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính quy định tại điểm a và điểm b Điều 4 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì lập thiết kế kỹ thuật - dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai.

Xem thêm tại Thông tư 56/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/8/2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,252

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]