Chủ
tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Nên quy định
lãi suất cơ bản, nhưng điều chỉnh lãi suất thỏa thuận lên mức 200% thì cần cân
nhắc
Về lãi suất cơ bản, tôi nhớ ta đã bàn trong quá trình xây dựng Luật Ngân hàng nhà nước. Luật Ngân hàng Nhà nước lúc bấy giờ bàn về lãi suất bảo đảm được cho việc mở ra tín dụng là thỏa thuận, nhưng có khống chế và bảo đảm không vi phạm Bộ luật Dân sự hiện hành. Bộ luật Dân sự có quy định lãi suất cơ bản và đưa ra mức lãi suất thỏa thuận là 150% lãi suất cơ bản, vượt số đó gọi là cho vay nặng lãi. Bảo đảm được hai luật này không mâu thuẫn gì, cho nên cơ bản áp dụng theo Luật Ngân hàng Nhà nước. Tóm lại vẫn có lãi suất cơ bản, còn cơ quan soạn thảo dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) điều chỉnh lãi suất thỏa thuận lên tới 200% thì cũng cẩn thận, phải cân nhắc. Hiện nay, Luật quy định lãi suất thỏa thuận vượt 150% lãi suất cơ bản là cho vay nặng lãi và có thể xử lý hình sự, dân sự... Theo tôi có thể trên 150% lãi suất cơ bản, nhưng cũng chưa tới 200%. Hiện nay, ngân hàng quy định lãi suất 6%, anh cho vay 9 - 10% còn được, trên 12% thì đúng là nặng lãi, nhưng cũng không hạn chế tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng cũng trong phạm vi khung của 150% hay 200% và tự đàm phán, thỏa thuận để bảo đảm kinh tế thị trường. Tôi hiểu Luật Ngân hàng Nhà nước hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu này, còn công bố lãi suất cơ bản thì không nhất thiết phải theo định kỳ. Thị trường tài chính, tiền tệ diễn biến có khi ổn định 5 - 10 năm. Do vậy, nên quy định lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố gần nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Căn cứ nào để nâng mức lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố?
Tôi cơ bản đánh giá cao cơ quan soạn thảo và Ủy ban thẩm tra đã tiếp thu ý kiến của nhân dân và cũng đã tiếp tục sửa đổi Bộ luật Dân sự. Có nhiều điểm nổi bật, đổi mới rất hay. Tuy nhiên, có một số điểm đổi mới cần phải cân nhắc. Có khi luật cũ hay hơn. Chỗ này tôi đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, tính toán thêm.
Điều 6, về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự là một điểm rất hay, rất nhân văn và phù hợp Hiến pháp. Tôi ủng hộ cao điểm này với một quy định cụ thể là Tòa án không có quyền từ chối giải quyết các vụ việc với lý do không có luật để áp dụng. Tại Điều 6, khoản 2, tôi đề nghị cân nhắc ý kiến của Ủy ban Pháp luật. Trong trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật chúng ta sẽ áp dụng nguyên tắc cơ bản tại Điều 3, án lệ và cái cuối cùng là lẽ công bằng. Đưa chữ lẽ công bằng vào luật lần này rất hay. Hệ thống pháp luật dân sự các nước cũng đưa nhiều quy định về lẽ công bằng. Tuy nhiên, nếu đưa vào chỉ mang tính chất chuyên môn thì cũng rất khó thực thi. Thế nào là lẽ công bằng? Trong báo cáo giải trình, tiếp thu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng có đề cập một phần nhưng tôi cảm thấy chưa rõ. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và làm rõ thêm lẽ công bằng tại Điều 6 là như thế nào? Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói lẽ công bằng là theo trái tim. Trái tim có lúc đúng, có lúc sai, không biết nó có đúng với lẽ công bằng hay không? Tôi nghĩ đưa vào ý tưởng lẽ công bằng rất hay nhưng đề nghị các anh nên thuyết trình thêm. Tôi đồng ý hoàn toàn việc đưa ý tưởng lẽ công bằng vào luật lần này, nhưng nên làm rõ thêm, thuyết phục hơn để nhân dân thấy đây là một điểm rất hay của lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật lần này. Phải có những cơ chế hoặc có những nguyên tắc để có thể yên tâm với lẽ công bằng.
Về lãi suất cơ bản trong hợp đồng vay tài sản, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% hay 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố? Đưa ra mức lãi suất này căn cứ là trượt giá. Nếu lấy căn cứ trượt giá, thì anh không thể giao quyền đó cho người dân. Lấy căn cứ gì để nói từ 150% lên 200% là trượt giá 50%? Không có căn cứ gì. Tôi đề nghị phải quay trở lại, dù gọi là lãi suất cơ bản hay là gì, nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng phải công bố một mức chuẩn và với mức chuẩn đó Ngân hàng Nhà nước phải tính toán bao hàm cả trượt giá và vẫn giữ mức 150%. Phần đó mình quyết định ra cho người dân, vì giao dịch này phổ biến trong dân. Bây giờ mình nâng lên 200% và nói trong mức này có trượt giá. Tôi nghĩ 200% là phần giao dịch của người dân. CPI phải nằm trong phần công bố của Ngân hàng Nhà nước thì sẽ bảo đảm hơn cho người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Lãi suất cơ bản là vấn đề lớn, phải trình QH để có quyết định rõ ràng, dứt điểm
Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được làm rất thận trọng, công phu. Tôi đồng tình với một số điểm cơ quan soạn thảo xin ý kiến của UBTVQH và một số điểm Ủy ban Pháp luật nêu.
Riêng về lãi suất cơ bản, trước đây khi làm Luật Ngân hàng Nhà nước và Bộ luật Dân sự, chúng ta thống nhất với nhau là có lãi suất cơ bản. Theo cơ chế thị trường mà quy định ra một mức lãi suất gọi là lãi suất cơ bản thì rất khó khăn cho quá trình điều hành chính sách tiền tệ. Nhưng quan điểm của tôi là, nên có lãi suất cơ bản để chúng ta có một cái khung, một khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh những chính sách liên quan đến vấn đề lãi suất, tránh xảy ra tình trạng cho vay nặng lãi, hoặc lợi dụng để trốn thuế. Vì vậy, lần này, sửa đổi Bộ luật Dân sự, tôi cho là nên có quy định về lãi suất cơ bản.
Bây giờ lãi suất cơ bản từ 150% lên 200% thì đạo lý như thế nào? Hỏi đạo lý nào thì cũng có. Trong cơ chế thị trường, chúng ta có thể nới rộng lãi suất cơ bản từ 150% lên 200% để cho phù hợp với tình hình nhưng vẫn có trần khống chế. Bây giờ bảo nó là cái gì? Tại sao lại từ 150% lên 200%, từ 200% lên 250% thì chắc là cơ quan soạn thảo cũng khó trả lời, chỉ coi đây là ý chí của chúng ta. Trong cơ chế này, với mức này tôi cho là hợp lý. Anh có quyền được hoạch toán vào giá thành, anh có quan hệ giao dịch với nhau mà không coi đó là cho vay nặng lãi. Những điều đó tôi cho là hợp lý, tức là nâng trần lên, nhất là trong điều kiện hiện nay, lãi suất cơ bản đang có xu thế giảm khi kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt là CPI ổn định. Đó cũng là một căn cứ để nâng lên. Tôi đồng tình là 200%.
Qua ý kiến của Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tống Anh Hào và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, tôi thấy, lãi suất cơ bản là vấn đề lớn. Có lẽ, chúng ta phải báo cáo ra QH và có 2 phương án để làm cho rõ ràng và dứt điểm. Đúng là chúng ta đang có sự không phù hợp giữa các luật trong hệ thống pháp luật, ta gọi đó là mâu thuẫn pháp lý: một mặt, chúng ta có Bộ luật Hình sự quy định tội cho vay nặng lãi và cùng với đó là, Bộ luật Dân sự quy định lãi suất cơ bản là 150%, nếu anh nào vượt thì coi như anh cho vay nặng lãi, Luật Ngân hàng Nhà nước cũng quy định có lãi suất cơ bản; một mặt, Luật Các tổ chức tín dụng lại cho phép thỏa thuận. Như vậy, ở đây có câu chuyện không bình đẳng. Ông kia cho vay trên 50% thì bị bỏ tù, nhưng tổ chức tín dụng cho vay thoải mái, thậm chí có lúc lên mấy chục phần trăm lãi suất 1 năm thì không làm sao. Ở đây, liên quan đến quy định của Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ công dân thì, vấn đề lãi suất cơ bản phải được đem ra tính toán. Như Phó chánh án Tống Anh Hào nói, từ năm 2009 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không công bố lãi suất cơ bản mà bảo lấy lãi suất cơ bản từ năm 2009. Từ đó đến nay đã có bao nhiêu thay đổi mà vẫn lấy lãi suất cơ bản của năm 2009 để áp dụng vào Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự thì tôi thấy không hợp lý và rất nguy hiểm, chạm đến quyền và nghĩa vụ của công dân.
Bây giờ, phải đưa vấn đề này ra QH vì còn ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất đề nghị phải bỏ lãi suất cơ bản, quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu cũng xuyên suốt. Bỏ là vì không phù hợp với cơ chế thị trường và trên thế giới không ai có, chỉ có chúng ta có. Ý kiến thứ hai là không bỏ vì đây là một công cụ để quản lý thị trường tiền tệ. Chúng ta chấp nhận cơ chế thị trường nhưng chúng ta theo định hướng có sự quản lý của Nhà nước nên phải có công cụ này. Còn phương pháp tính như thế nào, anh dùng 10 ngân hàng hay dùng giai đoạn nào thì đấy là chuyện của chúng ta nhưng ngân hàng từ năm 2009 đến nay không công bố lãi suất cơ bản tôi cho là có khuyết điểm. Thực tế vừa qua, chúng ta biết là đã có chuyện phá rào, không chấp hành quy định của Bộ luật Dân sự. Trước đó, khi chưa sửa Luật Các tổ chức tín dụng thì đã có chuyện phá rào và rất nhiều ĐBQH đã đặt vấn đề, nếu có tình trạng phá rào thì xử lý thế nào? Sau này có Bộ luật Dân sự để sửa, để dung hòa nhưng rõ ràng chúng ta có sự xung đột pháp lý ở đây. Vì vậy, tôi thấy rằng, phải đưa ra QH hai phương án và mỗi phương án cần phải lập luận chặt chẽ... Quy định về lãi suất cơ bản phải xếp hàng đầu trong số những nội dung mà Chính phủ cũng như cơ quan thẩm tra cho ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Thực tế không có lãi suất cơ bản, các nước cũng không có... Về mặt từ ngữ, chúng ta phải xem lại
Về lãi suất cơ bản theo quy định tại Điều 483, đây là vấn đề khó. Chỉ có một điều nhưng khi đem ra để bàn, quy định cụ thể, giải quyết vấn đề trong xã hội thì rất phức tạp. Hiện nay, chúng ta không có lãi suất cơ bản. Lãi suất cơ bản là từ bị ép buộc trong luật... Nói trung thực là như thế. Lãi suất cơ bản không có trên đời. Ngân hàng Trung ương có 3 lãi suất: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và lãi suất qua đêm. Để dùng lãi suất này, người ta gọi là công cụ gián tiếp để tác động vào thị trường tiền tệ, không có lãi suất nào là lãi suất cơ bản. Khi làm Luật Ngân hàng Nhà nước, lúc đó, cứ nghĩ đơn giản là, chọn 10 tổ chức tín dụng, lấy bình quân lãi suất cho vay của các ngân hàng này quy định ra mứclãi suất cơ bản để xử lý vấn đề cho vay nặng lãi. Nhưng trong thực tế, không có lãi suất cơ bản. Các nước cũng không có. Giả định nói ở các nước có lãi suất cơ bản bằng 0 thì lấy gì xử? Tôi đề nghị, về mặt từ ngữ, chúng ta phải xem lại.
Còn một ý như Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã phát biểu, tôi thấy, đúng là bây giờ chúng ta lấy gì để làm thước đo để có chuẩn xử lý vấn đề cho vay nặng lãi? Tôi cũng trăn trở mãi về Điều 12 của Luật Ngân hàng Nhà nước. Nhưng tới bây giờ, Luật Ngân hàng Nhà nước đã có hiệu lực 5 năm rồi, có thấy công bố lãi suất cơ bản đâu. Nhân Điều 483, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển vừa nhắc, tôi xin báo cáo như vậy. Các nước khi lãi suất ngân hàng Trung ương thay đổi thì tác động thị trường rất lớn. Ví dụ, lãi suất tái cấp vốn 5% hạ xuống 4% thì lãi suất cho vay sẽ hạ xuống, tác động hiệu ứng thị trường rất nhanh, gọi là công cụ gián tiếp. Tất nhiên khi hạ lãi suất nó bơm tiền ra, khi tăng lãi suất nó rút tiền vào, tức là nó hạn chế việc cho vay.
PHÓ CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TỐNG ANH HÀO: Phải có lãi suất cơ bản để Tòa án có cơ sở giải quyết tranh chấp Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, chúng tôi đề nghị có lãi suất cơ bản để Tòa án có cơ sở giải quyết tranh chấp. Thực tế chúng tôi hiện cũng đang vướng. Theo Điều 476 của Bộ luật Dân sự hiện hành, lãi suất theo thỏa thuận quy định không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Ở Điều 91 của Luật Các tổ chức tín dụng thì lãi suất theo thỏa thuận. Đối với các tranh chấp trong tổ chức tín dụng, hiện Tòa án giải quyết theo lãi suất thỏa thuận, còn ngoài tổ chức tín dụng thì giải quyết theo Điều 476 - đang có sự xung đột chỗ này. Thực tiễn vừa qua sau khi có quy định về Ngân hàng Nhà nước phải công bố lãi suất cơ bản thường xuyên theo luật, nhưng từ năm 2009 thì không công bố tiếp. Hôm vừa rồi chúng tôi hỏi thì Ngân hàng Nhà nước trả lời là vẫn theo lãi suất cơ bản cũ, tức là vẫn lấy lãi suất cơ bản từ năm 2009 tới giờ áp dụng để giải quyết. Chúng tôi đề nghị phải quy định thường xuyên công bố hay như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tiễn, lúc nào và ở thời điểm nào thì chi phối lãi suất bao nhiêu phần trăm để làm cơ sở giải quyết. Xác định lãi suất nào cũng phải cụ thể. Như vừa rồi có lúc thì nói lãi suất cơ bản, có lúc thì không làm cho Tòa án hết sức lúng túng khi giải quyết sự việc. Nếu không quy định, thả nổi để lãi suất thỏa thuận nhìn về mặt cơ chế tự do định đoạt thì được, nhưng không có trần nào để chống việc vay nặng lãi. Chỗ này hết sức khó. Nếu thả nổi hoàn toàn, không có trần nào hết, trong xã hội sẽ thực hiện việc vay nặng lãi thì sẽ điều chỉnh như thế nào và không có cơ sở để giải quyết? Cho nên, theo chúng tôi vẫn phải có trần nhưng cách quy định trần như thế nào cho phù hợp. Và trong Bộ luật Dân sự và Luật Ngân hàng Nhà nước nên có sự thống nhất. |
Nguyễn Vũ ghi