Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về tình trạng
người lao động (NLĐ) khi về hưu rơi vào diện nghèo (báo Pháp Luật TP.HCM phản
ánh ngày 15-5), ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ)
Việt Nam, cho rằng quỹ BHXH hoạt động trên nguyên tắc đồng hưởng, tuy nhiên vấn
đề ở đây là các doanh nghiệp (DN) đã cố tình luồn lách trốn đóng BHXH hoặc đóng
ở mức thấp nhất có thể khiến NLĐ bị thiệt thòi với chế độ an sinh khi về già.
Theo ông Chính, hiện nay lương tối thiểu chỉ đáp ứng khoảng 70% mức sống tối thiểu. NLĐ khi về hưu thì mức lương hưu đáp ứng mức sống tối thiểu sẽ thấp hơn, cuộc sống khó khăn hơn. Ông Chính thẳng thắn nhìn nhận bây giờ các DN trả mức lương tối thiểu 3,1 triệu đồng/tháng sẽ không có ai vào làm nên họ đã bổ sung thêm các khoản thu nhập khác như tiền ăn, tiền hỗ trợ nhà ở, tiền chuyên cần, tiền năng suất… Thực chất các khoản tiền này các DN không đưa thẳng vào lương mà họ hạch toán riêng để trốn đóng BHXH cho NLĐ và NLĐ gánh chịu thiệt thòi này.
Ông Chính cho biết thêm Tổng LĐLĐ Việt Nam “đấu” để thực hiện theo lộ trình từ 1-1-2016 sẽ áp dụng mức đóng BHXH theo Điều 90 Bộ luật Lao động (gồm tiền lương và các khoản thu nhập có tính chất như lương như tiền tăng ca…). Tuy nhiên, các bộ, ngành khác lại cho rằng tình hình kinh tế khó khăn, DN chịu đựng không nổi nên đã thống nhất lùi lộ trình đến năm 2018 mới thực hiện.
Ông Chính đánh giá so với nhận chế độ BHXH một lần thì tổng lương hưu NLĐ nhận suốt những năm về hưu cao hơn gấp ba lần. Ngoài ra, dù lương hưu thấp nhưng khi họ còn tham gia trong hệ thống an sinh xã hội thì sẽ được khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế. Mặt khác, theo lộ trình, dự kiến đến năm 2016 những NLĐ nhận lương hưu thấp hơn lương cơ sở (1.150.000 đồng/tháng) thì sẽ được điều chỉnh ngang mức lương cơ sở. “Đối với những người tham gia BHXH dưới 10 năm có thể cân nhắc để hưởng chế độ BHXH một lần, còn những người tham gia trên 15 năm thì nên tính toán để nhận lương hưu sẽ có lợi hơn khi về già” - ông Chính nhận xét.
PHONG ĐIỀN