Áp lực giao thông tại các thành phố lớn
vẫn luôn là vấn đề đau đầu khi các giải pháp hạ tầng và phương tiện công cộng
đã nhiều lần “lỗi hẹn”. Với xe máy, bằng chứng của việc gia tăng là con số vài
triệu đăng ký mới mỗi năm. Để phân tích về những tác động xã hội có liên quan,
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Hữu Minh - Chuyên gia đánh giá
tác động giao thông vận tải, Trường ĐH Giao thông Vận tải (GTVT).
Xe máy được cho là nguồn nguy hiểm cao độ khi tham gia giao thông, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy chiếm tỷ lệ cao so với các phương tiện khác. Tuy nhiên, xe máy lại là phương tiện mưu sinh chủ yếu của nhiều thành phần lao động. Vậy theo ông có nên hạn chế xe máy?
Nên kiểm soát sử dụng xe máy với các công cụ phù hợp, đặc biệt là công cụ kinh tế qua đó tác động đến quyết định đi lại của người dân đối với xe máy.
Mặc dù có nhiều ưu điểm xe máy cũng có rất nhiều nhược điểm, đặc biệt về an toàn (do kết cấu) và tiện nghi (người sử dụng chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết nắng nóng, mưa, bụi...) bởi vậy chưa bao giờ xe máy được coi là một phương tiện đi lại chủ yếu tại các nước phát triển. Chúng ta đi xe máy nhiều vì điều kiện kinh tế và hạ tầng chưa cho phép.
Một xã hội phần lớn đi xe máy thì chưa thể coi là thịnh vượng
Về mặt lâu dài, khi kinh tế phát triển đến một mức độ nhất định, người dân sẽ tự chuyển sang các phương thức vận tải an toàn hiệu quả hơn như đường sắt, vận tải công cộng, ô tô cá nhân, vận tải phi cơ giới. Xu hướng này đã diễn ra trên khắp thế giới. Nếu có tác động về chính sách, quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn.
Chiến lược hợp lý theo tôi là cung cấp cho người dân những phương thức đi lại tốt hơn xe máy, đồng thời tạo ra những bất lợi nhất định cho những chuyến đi xe máy, khi đó người dân sẽ cân nhắc, chủ động giảm nhu cầu sở hữu và sử dụng xe máy.
Hạn chế xe máy phụ thuộc vào những yếu tố nào, có thể tính trong ngắn hạn hoặc trung hạn không thưa ông? Theo ông, có nên áp dụng các biện pháp hành chính để hạn chế xe máy?
Hạn chế theo nghĩa cứng nhắc hành chính (cấm, loại bỏ) thì không nên và cũng không thể làm trên diện rộng được. Nhưng chắc chắn có nhiều giải pháp có thể áp dụng được ngay để dần dần tác động đến đối tượng xe máy cá nhân theo hướng giảm dần nhu cầu sử dụng phương tiện này.
Nhu cầu đi lại của người dân luôn hiện hữu, nếu không được đáp ứng bằng một phương thức này thì phải được thực hiện bằng một phương thức vận tải khác. Khi vận tải hành khách công cộng chưa đủ năng lực và chất lượng để đáp ứng được những chuyến đi thường xuyên của người dân thì rõ ràng quá trình tác động đến vận tải cá nhân như xe máy phải được thực hiện theo một lộ trình phù hợp. Bởi vậy việc hạn chế xe máy phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của các phương thức vận tải khác, đồng thời là quyết tâm về mặt chính trị, cũng như sự nhận thức và ủng hộ của cộng đồng.
Trong thời gian tới khi các dự án đường sắt đô thị tại nhiều thành phố lớn được đưa vào vận hành, tôi cho đấy là lúc chúng ta có thể tăng tốc các giải pháp tác động vào quá trình sử dụng xe máy của người dân, để hướng người dân tới việc sử dụng vận tải công cộng cho những chuyến đi thường xuyên của họ.
Nhiều nước tiến bộ như Trung Quốc, Singapore hoặc các nước có điều kiện giao thông tương đồng như Việt Nam là Indonesia, Thái Lan... Họ đã thành công trong việc hạn chế xe máy. Giải pháp và kinh nghiệm của họ là gì thưa ông?
Phần lớn các quốc gia phát triển chuyển thẳng từ xe đạp, xe ngựa sang ô tô, vận tải công cộng, đường sắt, mà bỏ qua xe máy. Một phần do điều kiện kinh tế cho phép, một phần do điều kiện thời tiết khí hậu của họ khắc nghiệt hơn (không thể đi xe máy vào mùa đông), ngoài ra quy hoạch sử dụng đất tạo nên những chuyến đi thuận lợi cho ô tô, cự ly dài khá bất lợi cho xe máy.
Khi vận tải hành khách công cộng chưa đủ năng lực thì xe máy khó có thể hạn chế trong ngắn hạn (ảnh: Quang Phong)
Muốn người dân chuyển sang vận tải công cộng, vận tải phi cơ giới, kinh nghiệm của các nước là phải kết hợp cả 2 nhóm giải pháp: Thứ nhất, hỗ trợ và nâng cao công suất, chất lượng hệ thống vận tải công cộng và phi cơ giới đảm bảo người dân có thể tiếp cận, sử dụng vận tải hành khách công cộng một cách thuận tiện và hiệu quả cho những chuyến đi thường xuyên. Thứ hai, tạo những khó khăn nhất định cho người sử dụng xe máy, như phí đỗ xe, không gian đỗ xe... thiếu những giải pháp này, vận tải hành khách công cộng sẽ không thể cạnh tranh được với xe máy, và người dân sẽ vẫn tiếp tục gắn bó với xe máy do những ưu thế vừa nói ở phía trên.
Một xã hội phần lớn đi xe máy thì chưa thể coi là thịnh vượng. Một xã hội chỉ có toàn ô tô thì chắc chắc sẽ gặp rất nhiều vấn đề về ách tắc, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông. Vận tải công cộng và vận tải cá nhân không đối đầu, mà hỗ trợ phối hợp chặt chẽ với nhau cùng phát triển. Đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam nên tham khảo và nhanh chóng áp dụng.
Xe máy là câu chuyện được đề cập tới rất nhiều và chắc chắn còn là vấn đề dài hơi, nhưng nói một cách ngắn gọn thì hạn chế xe máy sẽ được lợi gì và khó khăn gì thưa ông?
Với điều kiện vận tải hành khách công cộng (tàu điện ngầm, xe buýt, xe buýt nhanh...) đủ tốt để thu hút những người đi xe máy, việc hạn chế sử dụng xe máy sẽ đem lại những lợi ích rất rõ ràng là nâng cao được an toàn, cải thiện trật tự văn minh đô thị, cải thiện môi trường, giảm ùn tắc, thay đổi hình ảnh và sức cạnh tranh của đô thị với những phương thức vận tải hiện đại hơn. Nếu việc hạn chế xe máy lại dẫn đến việc gia tăng quá nhanh chóng nhu cầu sử dụng xe con cá nhân, Việt Nam sẽ lại đi theo đúng vết xe đổ của Thái Lan, Indonesia cách đây 15-20 năm, với ách tắc và ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Bởi vậy, nếu không thông về nhận thức và quyết tâm về chính trị cùng các giải pháp mạnh mẽ, sẽ rất khó để kiểm soát xe máy, vận tải hành khách công cộng sẽ chậm phát triển, kèm theo đó là một loạt các hệ lụy về kinh tế - xã hội và môi trường.
Tôi cho khó khăn về nhận thức là khó khăn lớn nhất. Nhận thức không những của nhà quản lý, mà còn là những người trực tiếp thực thi và quan trọng là của cộng đồng người dân. Hy vọng người dân sẽ ủng hộ cho cả những giải pháp phát triển vận tải công cộng, lẫn giải pháp kiểm soát sử dụng vận tải cá nhân.
Xin cảm ơn ông!
Châu Như Quỳnh (thực hiện)