Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 11 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác.
Ngày 20/5 tới, sẽ khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, tại kỳ họp này, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét lần thứ 2 sau khi tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào 10 vấn đề lớn của dự thảo.
Qua tổng hợp, đa số ý kiến đánh giá dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được xây dựng công phu, thể chế hóa được đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và Chiến lược Cải cách tư pháp; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, về xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
Những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 về cơ bản đều đã có phương hướng giải quyết hợp lý trong dự thảo Bộ luật.
Việc sửa đổi, bổ sung lần này nhằm xây dựng Bộ luật Dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.
Dự án Bộ luật Dân sự đã thể chế hóa đầy đủ, đồng thời tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự, cũng như những tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các chủ thể thuộc mọi hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.
Dự án đã sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành để bảo đảm Bộ luật Dân sự thực sự phát huy được ba vai trò cơ bản: Tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của các cá nhân, pháp nhân, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự; hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm sự thông thoáng, ổn định trong giao lưu dân sự, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; là công cụ pháp lý hữu hiệu để thúc đẩy sự hình thành và phát triển các thiết chế dân chủ trong xã hội, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa...
Một Bộ luật khác, có tính chất là luật khung Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần này. Việc sửa đổi nhằm xây dựng Bộ luật Hình sự có tính minh bạch, tính khả thi và tính dự báo cao hơn.
Từ đó phát huy hơn nữa vai trò của Bộ luật với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện mới; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng...
Dự thảo Bộ luật lần này hướng tới việc đổi mới nhận thức về chính sách hình sự mà trọng tâm là đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, về chính sách xử lý đối với một số loại tội phạm và loại chủ thể phạm tội, đảm bảo các quy định của Bộ luật Hình sự không chỉ là công cụ pháp lý để các cơ quan chức năng đấu tranh, trấn áp tội phạm mà còn là cơ sở pháp lý để bảo vệ sự phát triển lành mạnh các quan hệ kinh tế - xã hội; để mọi người dân tự bảo vệ mình, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội; khuyến khích mọi người dân chủ động tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Dự thảo Bộ luật sửa đổi tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp hình sự của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Dự thảo Bộ luật Hình sự được xây dựng đồng bộ với các luật, bộ luật đã được ban hành (như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hôn nhân và Gia đình...) cũng như các luật, dự luật đang được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), các luật về quyền con người, quyền công dân.
Nhằm tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ thông qua nhiều dự án luật quan trọng liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, gồm Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương...
Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mới về các thiết chế tổ chức quyền lực nhà nước đòi hỏi phải sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, đặc biệt là chế định về Chính phủ và mối quan hệ của Chính phủ với các thiết chế quyền lực khác như: Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và chính quyền địa phương trong việc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ lần này nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, xây dựng Chính phủ mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, phát huy mạnh mẽ dân chủ và pháp quyền, phục vụ nhân dân, kiến tạo, phát triển đất nước.
Dự thảo quy định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương được xây dựng để tổ chức hợp lý chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp năm 2013; bảo đảm chính quyền địa phương các cấp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng và giám sát hoạt động của chính quyền địa phương.
Trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa Chính phủ với chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, dự thảo luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính bảo đảm gắn kết thống nhất giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp trong chỉnh thể chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Đồng thời phân định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền giữa tập thể Ủy ban nhân dân và cá nhân Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát của Trung ương và cơ quan nhà nước cấp trên; tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.
Dự kiến tại Kỳ họp này, dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật sẽ được Quốc hội xem xét lần thứ hai trước khi biểu quyết thông qua. Luật được ban hành sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất cho việc ban hành văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Nhiều đổi mới về nội dung của dự thảo Luật góp phần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và vận hành hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả...
Luật mới quy định về xây dựng, ban hành văn bản pháp luật và tổ chức thi hành văn bản pháp luật thống nhất từ Trung ương tới địa phương; không quy định việc làm, sửa đổi Hiến pháp; không quy định việc ban hành văn bản có chứa quy tắc xử sự, nhưng chỉ áp dụng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị. Việc ban hành quyết định hành chính của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương tuân theo Luật Ban hành văn bản hành chính đang được xây dựng và trình Quốc hội. Việc ban hành quyết định, bản án của Tòa án nhân dân tuân theo các luật, bộ luật tố tụng (hình sự, dân sự, hành chính).
Phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp, việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về Luật Trưng cầu ý dân. Dự thảo luật gồm 9 chương, 56 điều, đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường đoàn kết và đồng thuận xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, tham gia rộng rãi, trực tiếp vào những vấn đề trọng đại của đất nước thông qua các cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Quốc Bình