Chính phủ "gỡ khó" cho du lịch

28/05/2015 07:33 AM

Chính phủ nhất trí với các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và phát triển ngành du lịch Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình như tạo thuận lợi trong cấp thị thực cho khách du lịch đến Việt Nam; thành lập Quỹ phát triển du lịch.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực đẩy mạnh phát triển du lịch - một ngành mũi nhọn của nền kinh tế.

Chính phủ đã thảo luận, nhất trí với các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và phát triển ngành du lịch Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình như tạo thuận lợi trong cấp thị thực cho khách du lịch đến Việt Nam; thành lập Quỹ phát triển du lịch.

Tạo thuận lợi trong cấp visa

Theo tờ trình của Bộ VHTTDL, Tổ chức Du lịch thế giới đã xác định 5 nhóm biện pháp đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh đang được các quốc gia trên thế giới áp dụng rộng rãi như sau: Minh bạch hóa thông tin; thuận lợi về quy trình thủ tục, áp dụng cấp visa tại cửa khẩu; ưu đãi với một số đối tượng ưu tiên, đơn phương miễn thị thực cho một số quốc gia; cấp visa điện tử (e-visa); thực thi thỏa thuận khu vực.

Visa nhập cảnh được coi là một trong những nhóm chính sách có tác động mạnh đến du lịch. Đơn giản hóa chính sách visa là biện pháp quan trọng góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, trao đổi khách và giao lưu văn hóa, thể hiện mức độ hội nhập của một quốc gia điểm đến.

Đến nay, trên thế giới, Thái Lan đã miễn visa cho công dân 61 quốc gia, vùng lãnh thổ (miễn visa đơn phương cho 49 nước), Malaysia miễn cho 155 quốc gia (miễn đơn phương 82 quốc gia), Lào áp dụng e-visa và visa cửa khẩu cho 150 quốc gia (miễn đơn phương 10 quốc gia).

Nhật Bản, từ tháng 7/2013, đã miễn visa cho khách Thái Lan, Malaysia, kéo dài thời hạn visa và cấp visa nhiều lần cho khách Campuchia, Indonesia, Phillipines, Lào, Myanmar, Việt Nam. Do đó, năm 2014 lượng khách du lịch đến Nhật Bản từ Thái Lan tăng 45,5%, từ Malaysia tăng 41%, Phillipines tăng 70% và từ Việt Nam tăng 47% so với năm trước.

Việt Nam đang miễn visa đơn phương cho 7 nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga), miễn visa trên cơ sở có đi có lại với 9 nước ASEAN.

Từ khi miễn visa (năm 2014) khách Nhật Bản đến Việt Nam tăng 2,43 lần; từ Hàn Quốc tăng 3,6 lần; từ Nga (từ năm 2009) tăng 7,45 lần… tốc độ tăng trưởng lớn hơn bình quân tăng trưởng khách quốc tế.

Theo đề  xuất của Bộ VHTTDL, ngoài 7 nước đang được miễn visa, Việt Nam sẽ mở rộng diện miễn visa đơn phương cho 2 nhóm nước là thị trường trọng điểm, đối tác chiến lược, toàn diện có nguồn khách lớn, nhu cầu lưu trú dài hơn, chi tiêu cao hơn.

Lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch

Cũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Bộ trưởng VHTTDL Hoàng Tuấn Anh kiến nghị Chính phủ xem xét cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch (VTF).

Dự kiến VTF có quy mô từ 2.000-2.500 tỷ đồng sau 5 năm thành lập, được bổ sung nguồn hàng năm nhằm duy trì hoạt động liên tục và đảm bảo nguồn chi. Trong đó 30% là từ nguồn ngân sách nhà nước, 70% còn lại từ nguồn xã hội hóa và 1 số khoản thu từ du lịch.

Theo đó, Bộ VHTTDL đề xuất thu từ khách sử dụng dịch vụ lưu trú. Cụ thể là trích từ tiền phòng khách sạn 1 đêm từ mỗi khách quốc tế đến Việt Nam với mức từ 10.000-20.000 đồng/khách/đêm lưu trú tại khách sạn từ 3 sao trở lên. Đây là khoản thu phù hợp với thông lệ quốc tế mà hiện nay nhiều nước đang triển khai.

Sau 2 năm thực hiện, sẽ áp dụng đối với tất cả khách sử dụng dịch vụ lưu trú, và tất cả các loại hình cơ sở lưu trú bao gồm cả khách du lịch quốc tế và nội địa. Riêng khách du lịch nội địa sẽ đề xuất phương án sau.

Ngoài ra còn có nguồn thu từ đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác.

Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam (Vietnam Tourist Development Fund – VTF) do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, hoạt dộng không vì mục đích lợi nhuận, được miễn thuế, hạch toán độc lập có tư cách pháp nhân, được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước.

Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch được sử dụng cho các hoạt động sau: Quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển mở rộng thị trường, hoạt động văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại các thị trường; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch; Ứng phó giải quyết những vấn đề phát sinh trong hoạt động du lịch do nguyên nhân khách quan, (thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh); bảo vệ môi trường đảm bảo an ninh an toàn cho du khách tại các điểm khu du lịch quốc gia; tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tăng cuờng hoạt động du lịch tại các khu dân cư; Hoạt động vủa bộ máy quản lý quỹ.

Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được kỳ vọng sẽ tăng thêm nguồn lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh góp phần tạo nguồn lực cho phát triển du lịch, hỗ trợ cho DN, thúc đẩy hợp tác công-tư.

Nguyệt Hà

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,248

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]