ĐBQH muốn ban hành Nghị quyết về Điều 60 Luật BHXH

27/05/2015 15:50 PM

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sáng nay (27/5).

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH đánh giá sự tiến bộ của Điều 60 Luật BHXH, nhưng trước phản ứng của người lao động, QH cần xem xét, sửa đổi hoặc ban hành một nghị quyết về Điều 60 theo hướng cho người lao động có quyền lựa chọn hưởng BHXH 1 lần hoặc bảo lưu BHXH.

ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) đánh giá chính sách BHXH là một trụ cột quan trọng trong chính sách an sinh xã hội, chăm lo đến đời sống của người lao động và góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự quốc gia.

Việc thông qua Luật BHXH năm 2014 đã khắc phục cơ bản những hạn chế trước đây của Luật BHXH năm 2006, tiếp cận đầy đủ hơn, đáp ứng tốt hơn quyền được tham gia và thụ hưởng của người dân và mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.

Chủ trương này là hoàn toàn đúng với quan điểm định hướng mở rộng đối tượng hưởng BHXH, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chăm lo cho người lao động về già, thay vì hưởng BHXH 1 lần.

ĐB kiến nghị QH ban hành nghị quyết kéo dài thời gian thi hành của Điểm c Khoản 1, Điều 55 Luật BHXH năm 2006 về hưởng BHXH 1 lần. Thời gian tới cần xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ hơn với lộ trình cụ thể và tuyên truyền rõ ý nghĩa của việc bảo lưu để người lao động có lựa chọn tốt nhất.

ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) thể hiện sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ về quy định của Điều 60 Luật BHXH năm 2014, khẳng định nội dung Điều 60 đã thể hiện đúng quan điểm, định hướng mở rộng diện bao phủ của BHXH, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, đồng thời có sự nghiên cứu, tư vấn của các tổ chức quốc tế phù hợp với xu hướng phát triển chung.

Giải pháp trước mắt là QH có nghị quyết ngay trong kỳ họp này, quyết định tạm dừng thực hiện Điểm a Điều 60 Luật BHXH năm 2014, kéo dài Điểm c Điều 55 Luật BHXH năm 2006.

Bày tỏ không vui đối với Luật BHXH năm 2014 vừa ban hành đã bị phản ứng của người lao động, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng Điều 60 là điểm mới phù hợp với xu thế của nhiều nước trên thế giới, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian hưởng lương hưu, bởi đóng lúc trẻ, hưởng lúc già, nhưng do điều kiện khó khăn hiện tại nên một số người lao động mong được hưởng 1 lần.

Vì vậy, ĐB đề nghị QH cần rút kinh nghiệm trong làm luật. Cụ thể, cần chuẩn bị chu đáo trong thăm dò, làm tốt công tác tuyên truyền và nêu rõ những điểm tốt của đạo luật, tránh tình trạng lúng túng bị động hiện nay. Vấn đề quan trọng là phải xem xét chính sách đúng hay không và hạn chế tối đa sự hiểu nhầm.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) lại cho rằng, Điều 60 là đúng nhưng chưa đủ, vì chưa quan tâm hết lợi ích của các tầng lớp nhân dân lao động, tước bỏ quyền lựa chọn của một bộ phận công nhân. Khi xây dựng luật đòi hỏi phải quan tâm đến quyền lợi của các tầng lớp nhân dân, kể cả nhóm thiểu số, trong khi công nhân phản ứng ở các tỉnh phía Nam rất đông.

Luật chưa có hiệu lực cũng sửa đổi được để bảo đảm quyền lựa chọn chính đáng của công nhân. Còn việc sửa đổi Điều 60 hay ban hành một Nghị quyết thì QH cần xem xét cụ thể hơn.

Sửa đổi phải kỹ càng, không làm méo mó chính sách

ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) khẳng định: Luật BHXH năm 2014 quy định theo hướng bảo đảm tốt hơn các quyền của người tham gia BHXH.

Suy nghĩ về một bộ phận người lao động nay lại muốn thôi không tham gia BHXH nữa và đa số những người muốn hưởng 1 lần có thời gian đóng BHXH còn ít, ĐB Hồ Thị Thủy cho rằng QH cần xem xét thấu đáo, toàn diện để đưa ra quyết định chính xác, không vì một nhóm người mà sửa đổi, làm méo mó chính sách. Đề nghị QH ban hành nghị quyết bảo lưu điều luật này để Chính phủ có thời gian tổng kết cụ thể.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết trước kỳ họp đã gặp gỡ công nhân lao động cho thấy Điều 60 có nhiều tiến bộ bảo đảm quyền cho người lao động. Tuy nhiên, người lao động cho rằng, có những ngành nghề và khu vực lao động nặng nề mà quá 40 tuổi thường bị cắt hợp đồng lao động, bị sa thải do sức khỏe yếu, trong khi đó người lao động rất khó tìm việc khác vào tuổi này nên họ muốn hưởng 1 lần để trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, đa phần người lao động đi ra từ khu vực nông thôn, song tiền lương thấp mà chi phí rất nhiều khoản như nhà trọ, nuôi con, điện nước thì thu nhập còn lại chẳng là bao cũng đòi hỏi họ phải lấy 1 lần.

Mặt khác, còn rất nhiều bất trắc trong thị trường lao động có thể đến với công nhân bất cứ lúc nào, nên người lao động muốn chọn phương án có lợi nhất cho mình, bảo đảm an toàn nhất cho cuộc sống của chính mình, cần được luật bảo vệ là chính đáng.

ĐB đề nghị tại kỳ họp này QH xem xét sửa Điều 60 theo hướng bổ sung 1 khoản vào Điều 60 để người lao động được lựa chọn bảo lưu bảo hiểm hay lấy 1 lần để lo cho cuộc sống của mình.

Nhấn mạnh về sự cần thiết sửa đổi Điều 60 của Luật BHXH, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng hoan nghênh Chính phủ đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người lao động và cho rằng QH sửa lại điều này là cần thiết.

Trên cơ sở đó, ông Tùng đề nghị QH nên ra nghị quyết để người lao động được quyền lựa chọn nhận BHXH 1 lần hoặc bảo lưu BHXH.

Đồng thời, ông Tùng cũng đề nghị có sửa đổi một số điều để không nên có phân sự biệt đối xử giữa người lao động trong quốc doanh và ngoài quốc doanh. Ông Tùng dẫn chứng, theo tính toán, 2 người cùng tốt nghiệp đại học, làm việc trong 30 năm rồi về hưu, thì người làm việc khu vực quốc doanh được hưởng lương hưu cao gấp 2 lần người ngoài quốc doanh. Đây là sự bất bình đẳng cần phải xem xét, sửa đổi trong Luật BHXH.

Lê Sơn

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,277

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]