Người lao động không có hợp đồng sẽ được bảo hộ như thế nào?

25/05/2015 14:17 PM

Việc đưa đối tượng người lao động không thuộc khu vực có quan hệ lao động vào Luật để bảo đảm công bằng cho người lao động.

Sáng nay (25/5), tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật An toàn, Vệ sinh lao động, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Về việc mở rộng chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) cho nhóm lao động không có quan hệ lao động, dự thảo Luật quy định nguyên tắc chung về chính sách bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện, chưa quy định chính sách bảo hiểm BNN vì việc xác định và tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm BNN cho người lao động khu vực này khó khả thi; giao Chính phủ quyết định cụ thể về đối tượng và thời điểm thực hiện chính sách này cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn.

Những vụ tai nạn ở khu vực ngoài quan hệ lao động chưa thể thống kê được (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng, việc đưa đối tượng người lao động không thuộc khu vực có quan hệ lao động vào Luật để bảo đảm công bằng cho người lao động, biểu hiện tính nhân văn được thể hiện trong Hiến pháp.

Thực tế, lực lượng không trong quan hệ lao động chiếm tỷ lệ rất cao. Lao động trong lĩnh vực này nhận thức, trình độ còn hạn chế; trong khi đó, trợ giúp của Nhà nước đối với lực này trong thời gian ra rất hạn chế, chưa được quan tâm nhiều.

Đại biểu Khúc Thị Duyền kiến nghị Nhà nước bảo hộ một phần trong chính sách bảo hiểm tự nguyện cho đối tượng lao động không trong quan hệ lao động. Điều này thể hiện tính nhân văn rất cao. Người lao động trong lĩnh vực này cũng cần được thông tin, tập huấn. Trong Luật cũng đã quy định trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trong việc tuyên truyền cho người lao động để bảo đảm an toàn khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Theo báo cáo thống kê năm 2014, đã có làm 630 người chết, bị thương 1544 người trong hơn 500 vụ tai nạn lao động. Tuy nhiên, đây là số lượng được thống kê trong lĩnh vực có quan hệ lao động, còn lĩnh vực ngoài quan hệ lao động chưa thể thống kê được.

Mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN tối đa 1%

Dự thảo Luật cũng đã chỉnh lý 2 chính sách mới được bổ sung trong dự thảo Luật nhằm nâng cao ý thức đối với công tác AT, VSLĐ tại nơi làm việc cho người lao động, người chủ sử dụng lao động cũng như tạo điều kiện cho người lao động hòa nhập lại thị trường lao động sau khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp tại Điều 56 và 57.

Về mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN linh hoạt theo ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động. Dự thảo Luật đã quy định mức đóng tối đa 1% (thay cho mức đóng cố định 1% như trước đây) và Chính phủ căn cứ vào tình hình kết dư của Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để quyết định mức đóng cụ thể như quy định tại Điều 45 dự thảo Luật.

Về chế độ bảo hiểm BNN cho người mắc bệnh nghề nghiệp sau khi đã chuyển công việc khác hoặc về hưu, dự thảo Luật bổ sung quy định người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp khi phát hiện bị mắc BNN do liên quan đến các ngành, nghề, công việc đã làm thì được hưởng chính sách bảo hiểm bệnh nghề nghiệp.

Bổ sung trách nhiệm của Bộ Y tế

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động, đa số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm QLNN về VSLĐ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe cho người lao động của Bộ Y tế. Một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của các Bộ, ngành khác có liên quan đến công tác AT, VSLĐ vì lĩnh vực này liên quan đến thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành.

Bà Trương Thị Mai cho biết, dự thảo Luật quy định Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về AT, VSLĐ. Tuy nhiên, lĩnh vực an toàn, VSLĐ liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều Bộ, ngành khác nhau (Bộ y tế, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn...), do vậy việc phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các Bộ trong công tác quản lý nhà nước về AT, VS là cần thiết.

Do đó, dự thảo Luật quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn, VSLĐ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bổ sung 1 điều quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, trách nhiệm của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình./.

Lại Thìn

Theo Báo Điện Tử VOV

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,961

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]