Xử ly hôn vắng mặt hai vợ chồng, được không?

04/06/2015 08:15 AM

Từ nước ngoài, người chồng gửi đơn xin ly hôn, xin tòa giải quyết vắng mặt, người vợ thì không chịu đến dù tòa triệu tập nhiều lần. Tòa phải đình chỉ giải quyết vụ án hay vẫn mở phiên xử vắng mặt hai người?

Trước đây, ông T. đăng ký kết hôn với bà H. và được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận. Sau đó, ông T. định cư ở nước ngoài, cuộc sống gặp nhiều khó khăn do thất nghiệp. Vì vậy, ông đã không thể chu cấp tiền bạc cho vợ và cũng không đủ các điều kiện bảo lãnh vợ sang đoàn tụ gia đình.

Phiên tòa vắng cả hai đương sự

Từ nước ngoài, ông T. đã gửi đơn nhờ người thân mang đến TAND tỉnh Khánh Hòa để xin ly hôn. Trong đơn, ông chỉ nêu một yêu cầu là xin tòa cho ly hôn, còn các vấn đề khác như con chung, tài sản chung, nợ chung của hai vợ chồng đều không có nên không đề nghị tòa giải quyết.

Tòa đã liên lạc, triệu tập ông T. về nước tham gia tố tụng. Tuy nhiên, ông T. cho biết do điều kiện khó khăn, ông không thể về nước để tham gia vụ án nên xin tòa cứ giải quyết vắng mặt ông. Các thủ tục ban đầu như đóng tiền tạm ứng án phí, nhận thông báo thụ lý… đều do người thân của ông ở trong nước đi làm thay.

Về phía bà H., dù tòa đã rất nhiều lần triệu tập hợp lệ nhưng bà vẫn không đến tòa để tham gia vụ án. Nguyên đơn không về nước, bị đơn không chịu đến tòa, mọi thủ tục như lấy lời khai, yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ, hòa giải… đều không thể thực hiện.

Cuối cùng, tòa ra quyết định mở phiên xử vắng mặt cả hai vợ chồng, tuyên bác yêu cầu xin ly hôn của ông T. vì không có gì chứng minh là tình trạng của hai người đã trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài... Bản án này sau đó đã có hiệu lực pháp luật.

Hai luồng quan điểm

Về mặt pháp lý, luật sư Châu Quý Quốc (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết khoản 1 Điều 202 BLTTDS  quy định tòa vẫn xét xử vụ án trong trường hợp “nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị tòa án xét xử vắng mặt”.

Tuy nhiên, điều luật này chỉ cho phép tòa xử vắng mặt đương sự khi họ có đơn xin vắng mặt. Còn việc đương sự xin được vắng mặt từ đầu đến cuối trong quá trình giải quyết vụ án trước khi mở phiên tòa thì luật lại chưa nói rõ. Mặt khác, đây là án hôn nhân - gia đình, ông T. phải tự mình giải quyết chứ không thể ủy quyền cho ai giải quyết thay các vấn đề liên quan đến nhân thân như ly hôn. Việc ông T. (và cả bà H.) không có mặt trong suốt quá trình tòa giải quyết án mà tòa vẫn mở phiên xử là vi phạm tố tụng bởi ảnh hưởng đến việc tòa thực hiện các thủ tục bắt buộc trước đó như lấy lời khai, yêu cầu cung cấp chứng cứ, hòa giải…

Đồng tình, luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) cũng cho rằng trong trường hợp này, tòa không được mở phiên xử mà phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Ngược lại, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói đúng là theo quy định tại khoản 3 Điều 73 BLTTDS thì đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Tuy nhiên, giai đoạn nộp đơn khởi kiện và nộp tiền tạm ứng án phí chưa được xem là tham gia tố tụng (khoản 3 Điều 171 BLTTDS quy định tòa thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho tòa biên lai nộp tiền tạm ứng án phí). Vì vậy, ông T. vẫn có quyền nhờ người khác nộp đơn khởi kiện, nộp tiền tạm ứng án phí.

Về quá trình tố tụng sau đó, luật sư Chánh cho rằng lời khai của các bên đương sự chỉ là một trong những chứng cứ để giải quyết vụ án. Không nhất thiết phải có đầy đủ lời khai của đương sự mới có thể giải quyết được vụ án mà còn tùy thuộc vào chứng cứ khác do đương sự cung cấp như đơn khởi kiện, tài liệu khác kèm theo… Việc đương sự vắng mặt tại buổi hòa giải thì tòa căn cứ vào Điều 182 BLTTDS để lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được. Do đó, trong trường hợp ông T. có đơn đề nghị tòa giải quyết vắng mặt, còn bị đơn đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần mà không đến, vụ án lại không có người liên quan nào khác thì tòa vẫn mở phiên xử được chứ không phải đình chỉ giải quyết vụ án.

Cần bổ sung quy định

BLTTDS hiện hành cho phép tòa xét xử vắng mặt nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan nếu họ có đơn xin vắng. Đối với việc vắng mặt đương sự trong quá trình giải quyết trước khi mở phiên tòa như lấy lời khai, tiến hành hòa giải, cung cấp chứng cứ… thì luật quy định tòa phải đình chỉ giải quyết vụ án nếu nguyên đơn được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt. Hoặc tòa tiến hành xử vắng mặt bị đơn nếu đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt. Tuy nhiên, BLTTDS lại không nói rõ nguyên đơn xin vắng mặt xuyên suốt quá trình giải quyết án thì có được hay không?

Theo tôi, việc tham gia thực hiện các thủ tục trong thời gian trước khi mở phiên tòa là quyền của nguyên đơn nhằm chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ, hợp pháp. Việc nguyên đơn xin vắng mặt là tự nguyện từ bỏ thực hiện quyền của mình. Lúc đó, việc xem xét chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu khởi kiện sẽ do tòa quyết định. Do vậy, tôi cho rằng trong lần sửa đổi BLTTDS này cần bổ sung quy định để các tòa áp dụng thống nhất.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trưởng bộ môn Luật Tố tụng dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM

 

HỒNG TÚ

Theo Pháp luật TP.HCM

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,736

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]