Đầu nhiệm kỳ, Quốc hội quyết định số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ

02/06/2015 08:04 AM

Sáng 1/6, thảo luận ở Hội trường về Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc không quy định trong dự thảo Luật số lượng, tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ nhằm tạo sự chủ động cho Quốc hội, Chính phủ và phù hợp với Điều 95 Hiến pháp 2013.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, hiện có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất tán thành không quy định trong Luật số lượng, tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định cụ thể vấn đề này ngay trong Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật là không quy định cụ thể trong Luật số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Đồng tình dự thảo Luật, đại biểu Lê Đắc Lâm-Bình Thuận cho rằng, việc không quy định cứng số lượng, tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ trong Luật là phù hợp. Điều này sẽ giúp Quốc hội sẽ chủ động hơn trong việc quyết định cơ cấu Chính phủ phù hợp với thực tiễn và tổ chức bộ máy của Chính phủ trong từng thời kỳ phát triển của đất nước. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định số lượng Phó thủ tướng Chính phủ không quá 5 người.

Đại biểu Huỳnh Thành-Gia Lai phân tích, việc này sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng một Chính phủ năng động, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ. Hơn nữa, nếu quy định cứng số lượng và tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ làm cho Luật khó có tính khả thi và không đảm bảo tính ổn định, lâu dài của Luật.

Đại biểu Danh Út phát biểu tại Hội trường, Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp-Cần Thơ, Danh Út- Kiên Giang và Ma Thị Thúy-Tuyên Quang cũng nhất trí việc không quy định trong dự thảo Luật về số lượng, tên gọi, các bộ, cơ quan ngang bộ mà sẽ tùy theo yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế phát triển của đất nước.

Các đại biểu cho rằng, đầu nhiệm kỳ của Quốc hội mỗi khóa, Quốc hội sẽ quyết định cụ thể số lượng tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ cho nhiệm kỳ đó, điều này sẽ phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 95, Hiến pháp 2013.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp phát biểu tại Hội trường

Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể số lượng, tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong Luật. Bởi cho rằng, hiện nay các lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công cho các bộ, cơ quan ngang bộ phụ trách đều đã được xác định rõ và cơ bản hợp lý. Việc quy định rõ số lượng, tên gọi của các cơ quan này trong Luật sẽ bảo đảm tính ổn định cho cơ cấu của Chính phủ.

Đại biểu Phùng Đức Tiến-Hà Nam cho rằng, cần quy định cụ thể về số lượng thành viên Chính phủ và số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ. Đại biểu cho rằng, sau một thời gian dài vận hành cơ cấu của Chính phủ cũng đã cho thấy sự ổn định và ít khi biến động lớn trong thời gian tới. Do vậy, việc quy định cụ thể số lượng thành viên Chính phủ và số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ trong Luật sẽ đảm bảo tính ổn định lâu dài về cơ cấu, tổ chức của Chính phủ.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi phát biểu tại Hội trường

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi-Phú Yên cũng bày tỏ tán thành cao với việc quy định số lượng, tên gọi cụ thể của các bộ, cơ quan ngang bộ vào trong Luật. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy cũng không trái với Hiến pháp bởi vì Điều 2 cũng đã thể hiện việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Như vậy, để cho Chính phủ chủ động trong việc quy định về cơ cấu của Chính phủ, nhưng quyền quyết định vẫn thuộc Quốc hội.

Còn theo đại biểu Trần Du Lịch- TP. Hồ Chí Minh, nên chăng Luật cũng quy định cơ cấu tổ chức Chính phủ ở một số bộ. Đây là những “bộ cứng”, không thay đổi và “lúc nào cũng có nó”. Còn một số “bộ, cơ quan ngang bộ mềm”, sẽ Quốc hội quyết định ở đầu nhiệm kỳ.

Đức Phương

Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc Hội

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,835

Bài viết về

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]