Làm rõ mô hình Ban quản lý và khai thác cảng

03/06/2015 14:14 PM

Sáng 3/6, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự án Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi) cho biết, về nội dung Ban quản lý và khai thác cảng, ngoài ý kiến ủng hộ thì có ý kiến đề nghị cần cân nhắc quy định này hoặc đề nghị nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài để tổ chức phù hợp với thực tế ở Việt Nam.

Ành: vlr.vn

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi), Ban quản lý và khai thác cảng được quy định tại Điều 142 với nội dung: “Ban quản lý và khai thác cảng là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng; được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao. Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý và khai thác cảng; việc áp dụng mô hình tổ chức Ban quản lý và khai thác cảng tại cảng biển Việt Nam”.

Tờ trình cho rằng, thực tế vừa qua tại một khu vực cảng biển có rất nhiều nhà đầu tư khai thác bến cảng dẫn đến tình trạng việc dư thừa công suất như tại khu vực Cái Mép Thị Vải. Đồng thời, không có sự kết hợp khai thác sử dụng vùng nước cảng và vùng đất hậu cần sau cảng nên không khai thác được hết hiệu quả kinh tế của khu vực cảng biển.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp đầu tư, khai thác cảng trong cùng một khu vực mạnh ai nấy làm, tìm mọi cách thu hút hàng hoá đến bến cảng của mình đã tạo ra một sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến tình hình khai thác cảng chung. Vì vậy, cần có một tổ chức để điều phối, quản lý chung khu vực cảng biển để khắc phục những tồn tại nói trên.

Tờ trình cũng cho biết, sẽ giao Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổ chức này cũng như việc áp dụng mô hình tổ chức Ban quản lý và khai thác cảng tại cảng biển Việt Nam.

Việc này nhằm xây dựng một tổ chức có chức năng điều phối chung trong việc phát triển từng khu vực cảng, nhóm cảng; quản lý chung cả vùng nước cảng biển và vùng đất sau cảng để tạo sự thống nhất trong việc đầu tư, phát triển, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng và khu công nghiệp phụ trợ để giải quyết những bất cập hiện nay tại khu vực cảng biển.

Về vấn đề này, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho biết, một số ý kiến đại biểu nhất trí quy định Ban quản lý và khai thác cảng như trong dự thảo Bộ luật nhằm thiết lập cơ quan có đủ năng lực, trách nhiệm quản lý cảng biển, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay để tăng cường hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cảng biển.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định mô hình này. Trước hết, cần làm rõ về tiêu chí, điều kiện để thành lập Ban quản lý và khai thác cảng, về địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ của Ban quản lý và khai thác cảng với cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương…

Đồng thời cần làm rõ tính chất của Ban quản lý và khai thác cảng là tổ chức kinh tế hay là cơ quan quản lý nhà nước; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý và khai thác cảng trong mối quan hệ với Cảng vụ hàng hải, Cục hàng hải Việt Nam, chính quyền địa phương và tổ chức, cá nhân được giao quản lý khai thác cảng như hiện nay.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài về mô hình “Chính quyền cảng” hay “Ban quản lý và khai thác cảng” để có cơ sở tổ chức một mô hình phù hợp với thực tế của Việt Nam và không trái với quy định hiện hành về chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đức Phương

Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc Hội

 


Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,688

Bài viết về

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]