Báo cáo ngân sách nhà nước sẽ không còn đóng dấu 'mật'

03/06/2015 07:55 AM

Các bản báo cáo ngân sách nhà nước sẽ được công khai, minh bạch hơn với người dân khi không còn đóng dấu mật như trước, theo dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước đang được Quốc hội xem xét.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính-Ngân sách của Quốc hội. Ảnh TL

Điều 15 của dự thảo về công khai ngân sách nhà nước (NSNN) và giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng quy định chi tiết về các yêu cầu công khai, nội dung công khai, hình thức công khai, thời hạn công khai các bản dự toán ngân sách nhà nước trung ương và địa phương.

Điều 15 này cũng yêu cầu công khai dự thảo dự toán ngân sách trình Quốc hội và dự toán NSNN sau khi được Quốc hội quyết định. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định về việc công khai ngân sách được ngoại trừ đối với các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia.

Yêu cầu mới mẻ này, tất nhiên, đã làm các đại biểu Quốc hội vui mừng khi chính họ bị trói buộc bởi các dấu mật đóng trên các báo cáo ngân sách nhà nước.

Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) nhận xét rằng dự thảo Luật ngân sách kỳ này cơ bản đã được tiếp thu chỉnh sửa khá nhiều và ông thấy yên tâm hơn so với kỳ trước vì tính công khai, minh bạch đã được quy định rõ. Đại biểu Khanh cho biết, tại kỳ họp này, khi nhận Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2013, các đại biểu Quốc hội không thấy đóng dấu mật như các kỳ họp trước, các khóa trước.

“Chúng tôi thấy đó là một sự công khai, minh bạch và dân chủ hơn,” đại biểu nói.

Ông nói thêm: “Trước đây, cầm Báo cáo ngân sách mà có chữ "mật" thì tôi rất ngại, đem về địa phương rất lo. Như thế này thì Quốc hội công khai ở chỗ nào, dân chủ ở chỗ nào, mọi người có được biết cái này không?”

Ông Khanh cho rằng, quy định như điều 15 trong dự luật là một sự tiến bộ hơn.

Liên quan đến bội chi, khoản 4 Điều 7 dự thảo luật quy định bội chi ngân sách trung ương được bù đắp từ các nguồn gồm: vay trong nước, phát hành trái phiếu Chính phủ, công trái xây dựng Tổ quốc và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật; vay ngoài nước từ các khoản vay của chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, bội chi không bao gồm các khoản vay về cho vay lại.

Nhiều vị đại biểu đề nghị bội chi cần tính đúng, tính đủ theo thông lệ quốc tế, chứ không đơn giản như trên.

Về điều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chấp thuận cách tính bội chi NSNN phù hợp với thông lệ quốc tế như quy định trong dự thảo Luật đã trình Quốc hội .

Ủy ban Thường vụ giải trình như sau: so với Luật hiện hành, dự thảo Luật mới đã sửa đổi, bổ sung quy định: bội chi ngân sách trung ương (NSTW) được xác định bằng chênh lệch giữa tổng chi NSTW và tổng thu NSTW; chi NSTW chỉ bao gồm chi trả nợ lãi không có khoản trả nợ gốc như quy định hiện hành. Quy định như vậy là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng thời, để đảm bảo nguyên tắc cân đối ngân sách lành mạnh, dự thảo đã bổ sung quy định: Bội chi NSTW được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và ngoài nước, bội chi NSĐP được bù đắp bằng nguồn vay trong nước (phần chênh lệch giữa số vay trừ đi chi trả nợ gốc) và quy định rõ nguồn bù đắp bội chi NSNN được xác định trên cơ sở vay trong nước, bao gồm cả từ nguồn công trái, trái phiếu Chính phủ... và vay nước ngoài, trong đó có phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế.

Tư Hoàng

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,032

Bài viết về

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]