Mặc dù chiếm tỷ trọng không cao trong tổng thu ngân sách, nhưng quản lý thuế đối với hộ kinh doanh (HKD) hiện đang tiêu tốn nguồn lực rất lớn của cơ quan thuế. Chính vì vậy để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các HKD phát triển và nộp thuế, trong năm 2016, ngành thuế sẽ nghiên cứu triển khai thí điểm nộp thuế điện tử đối với cá nhân, bao gồm cả HKD. Đó là thông tin từ đại diện của Tổng cục Thuế tại hội thảo giảm tham nhũng trong khu vực HKD - giải pháp từ cải cách thuế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 11/6 tại Hà Nội.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay ngành thuế đã cấp mã số thuế cho trên 3 triệu HKD, trong đó chỉ có hơn 1,6 triệu hộ đang hoạt động thường xuyên. Mặc dù có số lượng lớn, nhưng các HKD ở Việt Nam có quy mô nhỏ mang tính thời vụ hoặc kinh doanh lưu động (các HKD có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở xuống còn được miễn thuế) nên số thuế thu được từ khu vực này vào NSNN không cao.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, năm 2014 tổng thu từ hộ gia đình và cá nhân kinh doanh chỉ đạt 12.362 tỷ đồng chiếm khoảng 2% tổng số thu nội địa hàng năm, nhưng tình trạng gian lận, nợ thuế diễn ra khá phức tạp. Theo điều tra của Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng (Cecodes), thuế môn bài hàng năm chỉ từ 50.000 đồng đến 1.000.000 đồng/năm nhưng vẫn có đến 30% số hộ khai doanh thu thấp đi để được hưởng mức thuế thấp hơn; 6% hộ sẵn sàng đưa hối lộ để được giảm thuế. Tại các TP lớn như Hà Nội, công tác quản lý thu thuế HKD cá thể còn phức tạp, tốn nhiều công sức hơn nhiều, bởi hiện tại, Cục Thuế Hà Nội quản lý khoảng 150.000 HKD, thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, nhưng đa phần ý thức tuân thủ pháp luật của HKD chưa cao trong khi lực lượng cán bộ thuế rất mỏng. Chính vì vậy, để đảm bảo công bằng giữa các HKD, hiện nay bình quân 1 cán bộ thuế phải quản lý gần 300 hộ.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tình trạng thất thu về đối tượng và doanh thu còn khá phổ biến do chưa có sự phối hợp tốt giữa cơ quan thuế và chính quyền địa phương trong điều tra, khảo sát thực tế. Ngành thuế cũng chưa có cơ chế giám sát việc xử lý phản hồi của người dân, phản hồi của các cấp, các ngành trong việc xác định doanh thu và mức thuế khoán. Công tác hành thu đối với HKD còn lạc hậu, hậu, người dân vẫn phải nộp thuế trực tiếp tại ngân hàng hoặc kho bạc, trong khi tất cả các DN đã thực hiện việc kê khai và nộp thuế điện tử. Đặc biệt, HKD có nhu cầu sử dụng hoá đơn phải mua của cơ quan thuế chứ chưa được tự phát hành hoá đơn. Điều này cũng tăng thêm nhiều thủ tục hành chính và gây khó khăn cho HKD khi thực hiện các yêu cầu về quản lý hoá đơn của cơ quan thuế.
Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế TNCN – Tổng cục Thuế bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết, để ngăn chặn những tiêu cực phát sinh trong quản lý HKD, hướng đến quy trình quản lý thuế minh bạch rõ ràng dựa trên việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong thời gian tới ngành thuế sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn về chính sách và quản lý thuế đối với HKD nhằm đảm bảo tính đơn giản và dễ thực hiện (khai thuế 1 lần/năm) từng bước hiện đại hoá công tác khai nộp thuế bằng hình thức điện tử. Theo đó trước mắt sẽ triển khai nộp thuế điện tử đối với 03 nhóm là lệ phí trước bạ ôtô xe máy, các hoạt động cho thuê nhà và chuyển nhượng bất động sản; sau đó trong năm 2016 sẽ tiếp tục áp dụng thí điểm nộp thuế điện tử đối với cá nhân bao gồm cả HKD tại các địa phương lớn có cơ sở hạ tầng mạng tốt như Hà Nội và TP HCM, nhằm giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính và sự tiếp xúc trực tiếp với cán bộ thuế. Cơ quan thuế sẽ sửa đổi, bổ sung quy trình quản lý HKD để tăng cường sự giám sát của cơ quan thuế cấp trên với cơ quan thuế cấp dưới, đồng thời tăng cường tuyên truyền hỗ trợ các HKD tìm hiểu chính sách chế độ để chủ động trong việc thực thi pháp luật thuế. Đặc biệt để hạn chế tối đa tình trạng thông đồng giữa cán bộ thuế và người nộp thuế, ngành thuế đang triển khai đề án đánh giá hiệu lực, hiệu quả của hội đồng tư vấn thuế để từ đó có các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường sự giám sát của các cấp, các ngành đối với cơ quan thuế trong việc quản lý HKD.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, Luật DN có hiệu lực từ 1/7/2015 quy định rất rõ HKD sử dụng thường xuyên 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập DN. Bởi vậy, trong thời gian tới cơ quan thuế phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, rà soát các đơn vị này để chuyển sang thực hiện theo Luật DN. Đồng thời, ngành thuế cần sớm triển khai quy trình kết nối trực tuyến với cơ quan thuế những thông tin về sử dụng hóa đơn và doanh số bán hàng của các HKD lớn thuộc đối tượng có rủi ro cao để có biện pháp quản lý đặc biệt, hạn chế thất thu NSNN về thuế./.
Trung Kiên