Bộ KHCN kỳ vọng những quy định mới về nhập khẩu máy móc cũ sẽ giải quyết được các quan ngại của nhà đầu tư |
“Cúng ta vẫn phải ban hành một văn bản để hạn chế và quản lý việc nhập khẩu thiết bị máy móc cũ đã qua sử dụng để tránh tình trạng chúng ta trở thành bãi rác công nghệ của thế giới. Tuy nhiên, phải tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói trước Quốc hội tại phiên chất vấn tuần trước.
Theo đó, dự thảo thông tư mới sẽ quy định cơ chế hậu kiểm. Nếu doanh nghiệp đã có chứng thư giám định về chất lượng ở nước ngoài thì thông quan bình thường. Nếu không có, doanh nghiệp được quyền cam kết đáp ứng các điều kiện về chất lượng cũng như xuất xứ năm sản xuất và sau đó được thông quan ngay.
Tuy nhiên, thiết bị sau khi đưa vào sử dụng phải chịu sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Nếu có gian dối trong việc cam kết, doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc tháo dỡ tái xuất và thậm chí bị xử phạt vi phạm hành chính.
Bộ KHCN cũng đang cân nhắc ý kiến của các doanh nghiệp là những thiết bị máy móc cũ đã được đưa vào trong các dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư phê duyệt thì đương nhiên không cần phải thực hiện thủ tục giám định chất lượng của máy móc thiết bị.
Doanh nghiệp được lựa chọn 1 trong 2 tiêu chí, hoặc là thời gian sử dụng chưa quá 10 năm, hoặc là chất lượng còn lại phải trên 70%. Như vậy, các điều kiện này thoáng hơn so với Thông tư cũ quy định chất lượng phải còn từ 80% trở lên và không quá 5 năm sử dụng.
Đặc biệt, trước những lo ngại của doanh nghiệp rằng việc giám định được thực hiện một cách cảm quan, thông tư cũng quy định cụ thể về tiêu chí giám định, ví dụ mức tiêu thụ nhiên liệu không vượt quá mức nào đó.
Mặt khác, với từng lĩnh vực chuyên ngành thì các bộ, ngành có thể đưa ra các quy định đặc thù chứ không cứng nhắc áp một tiêu chuẩn cho mọi loại máy móc.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa diễn ra ngày 9/6, hàng loạt ý kiến đã tiếp tục kiến nghị Bộ KHCN sửa đổi các quy định tại Thông tư 20. Các ý kiến đều cho rằng yêu cầu chất lượng phải còn từ 80% trở lên và không quá 5 năm sử dụng là quá cao. Đồng thời, cần đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng dựa trên tiêu chuẩn chất lượng của từng ngành cụ thể.
Thậm chí, có những ý kiến đề nghị bỏ hẳn các quy định về hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cũng cho rằng nếu không có biện pháp phù hợp, Việt Nam sẽ trở thành bãi rác công nghiệp, việc quản lý và xử lý sẽ vô cùng khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Theo đại biểu Quốc hội Lê Thị Công, hiện hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, dây chuyền công nghệ cũ đã qua sử dụng, chỉ có 10% doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại.
Tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định dự thảo thông tư “chắc chắn sẽ giải quyết được các vấn đề quan ngại của các nhà đầu tư”, đồng thời đáp ứng được yêu cầu quản lý.
Thanh Hằng
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ