Đây cũng là tuần Quốc hội tập trung thảo luận về các dự án luật trong lĩnh vực tư pháp. Đó là các dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam.
Quốc hội sẽ dành hơn một buổi họp tại hội trường để thực hiện các thủ tục bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga (Đoàn Hà Nội). Cụ thể, từ 16 giờ ngày 17-6, Quốc hội nghe Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày Tờ trình đề nghị bãi nhiệm. Sau đó, các đoàn đại biểu Quốc hội họp để thảo luận về vấn đề này. Chiều 18-6, Trưởng ban Công tác đại biểu sẽ báo cáo Quốc hội về kết quả thảo luận ở các đoàn đại biểu Quốc hội. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận, thành lập Ban Kiểm phiếu, tiến hành bỏ phiếu bãi nhiệm. Khi có kết quả kiểm phiếu, Quốc hội sẽ ra Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga.
Trước đó, trả lời phỏng vấn của các phóng viên bên lề Kỳ họp thứ chín, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, bà Châu Thị Thu Nga bị Quốc hội xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội vì bà Nga không còn đủ tín nhiệm với cử tri. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu đối với bà Châu Thị Thu Nga.
Bà Châu Thị Thu Nga đang bị khởi tố, điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi triển khai dự án nhà chung cư-biệt thự B5 Cầu Diễn (Hà Nội). Bên cạnh tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIII, bà Nga từng là Phó trưởng ban điều hành mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam khu vực miền Bắc (do Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng công bố quyết định thành lập); Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group).
CHIẾN THẮNG
Theo Báo điện tử Quân đội nhân dân