Đề xuất xây tuyến cao tốc TPHCM-Mộc Bài theo hình thức BOT

13/06/2015 08:57 AM

Đường cao tốc TPHCM-Mộc Bài với tổng mức đầu tư gần 30.000 tỷ đồng sẽ tạo kết nối cửa khẩu quốc tế Mộc Bài với các đường vành đai 3, 4 của TPHCM để tạo thành mạng lưới liên hoàn giữa các tuyến giao thông đối ngoại và trở thành cửa ngõ ra vào TPHCM.

Hướng tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh). Ảnh: thesaigontimes.vn

Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long vừa có đề xuất Bộ GTVT đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc TPHCM-Mộc Bài (Tây Ninh) theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).

Dự án có điểm đầu tại nút giao Thủ Đức (giao giữa Quốc lộ 1 và đường vành đai 3, quận 9, TPHCM). Điểm cuối tại ngã tư giao quốc lộ 22 với đường tỉnh 786, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Tổng chiều dài của tuyến đường cao tốc này là 84,5 km được chia làm 4 đoạn tuyến. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến gần 30.000 tỷ đồng (khoảng 1,36 tỷ USD).

Trong đó, vốn đầu tư cho đoạn 1 (20 km cầu cạn trên đường xuyên Á) và đoạn 2 (9 km cầu cạn trên Quốc lộ 22) là 15.509 tỷ đồng, đoạn 3 (4 km đường vành đai 3) là 1.830 tỷ đồng, đoạn 4 (51,5 km từ điểm cuối đoạn 3 đi theo hướng gần song song với quốc lộ 22 hiện hữu) là 12.631 tỷ đồng.

Dự án có vận tốc thiết kế 100 km/giờ, quy mô phân kỳ với bề rộng là 17 m, riêng đoạn 3 mặt cắt ngang 24,5 m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn song hành hai bên.

Đề cập đến phương án đầu tư, ông Dương Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long đề xuất dự án chia làm 2 thành phần đầu tư trong đó, thành phần 1 gồm đoạn 3 và 4 với mức đầu tư gần 16.360 tỷ đồng (bao gồm lãi vay) bằng nguồn vốn BOT.

Dự kiến, tuyến đường được hoàn vốn từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ trên toàn dự án với giá thu phí 1.500 đồng/km/phương tiện vào năm 2021. Lộ trình tăng giá vé là 18% sau mỗi 3 năm (theo Thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 4/11/2013).

Dự án thành phần 2 bao gồm đoạn 1 và 2 có tổng mức đầu tư 15.509 tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước (từ nguồn vốn ODA, JICA, ADB...).

Nếu được Bộ GTVT phê duyệt và chấp thuận, dự án sẽ bắt đầu thi công từ quý I/2018 và bắt đầu khai thác vào quý 1/2021 (trong 36 tháng).

Hiện tại, tuyến đường xuyên Á (quốc lộ 22) là tuyến quốc lộ duy nhất nối TPHCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Theo dự báo, nhu cầu vận tải trên tuyến quốc lộ 22 đoạn TPHCM-Mộc Bài sẽ hết công suất khai thác và trở nên quá tải vào năm 2016.

Do vậy, việc sớm đầu tư xây dựng một tuyến đường mới giúp giảm thời gian đến và đi TPHCM, đồng thời sẽ phát huy lợi thế liên kết với các quốc lộ 1, 22, 22B, đường Hồ Chí Minh cùng hệ thống giao thông đường sắt, hàng không, phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Đồng thời, tuyến đường cũng sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế, là tuyến giao thông cao tốc xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu và các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực ASEAN (Bangkok-Phnom Penh-TPHCM).

Phan Trang

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,669

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]