Quốc hội thảo luận dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)

16/06/2015 08:55 AM

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, ngày 15/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) .

Quy định tại khoản 2, Điều 4 dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) quy định: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” tiếp tục là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến trong phiên chiều.

Vấn đề này qua thảo luận vẫn tồn tại hai luồng quan điểm trái ngược. Nhiều đại biểu có quan điểm tán thành với quy định này và coi đây là một điểm mới đáng ghi nhận của dự thảo Bộ luật.

Đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) phân tích quy định này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp 2013, không mâu thuẫn với quy định trong xét xử thẩm phán, hội thẩm độc lập chỉ tuân theo pháp luật. Theo đại biểu Hồng, đây là quy định rất cần thiết trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như hiện nay, khi đất nước đang xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, vì thế không thể từ chối giải quyết vụ việc của dân chỉ vì không có điều khoản quy định của pháp luật. Đại biểu Hồng lo ngại từ sự từ chối này sẽ dẫn đến hậu quả người dân sẽ “tự xử”, gây những hệ quả xấu và rất nguy hiểm.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đánh giá, quy định tại khoản 2, Điều 4 sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân khi không biết cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc của mình. Đại biểu phân tích: Tòa án là biểu tượng công lý, người dân đến đề nghị giải quyết vụ việc mà lại bị từ chối, thì sẽ rất khó khăn. Đại biểu khẳng định quy định này đáp ứng được yêu cầu mong mỏi của người dân.

Ngược với quan điểm trên, các đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên-Huế), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị không nên bổ sung quy định nguyên tắc Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng tại Điều 4 dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) vì không có điều luật thì Tòa án không có căn cứ để xét xử. Án lệ chưa phải là một nguồn luật chính thức. Việc áp dụng nguyên tắc tương tự và theo lẽ công bằng sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện.

Theo đại biểu, quy định này không phù hợp với Hiến pháp, với quy định toà án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và mâu thuẫn với ngay dự thảo Bộ luật về việc đảm bảo pháp chế XHCN. Đại biểu phân tích nguyên tắc nhà nước pháp quyền hay pháp chế XHCN luôn đòi hỏi Nhà nước trước hết phải có luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tổ chức và cá nhân phải thượng tôn pháp luật.

Làm rõ hơn nội dung này, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết: Đây là nội dung gắn với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Cơ sở để đặt ra quy định này là do Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Việc gì người dân yêu cầu chính đáng sẽ phải giải quyết. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự, trong đó Công ước đã quy định những quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Nếu có vi phạm mà luật pháp chưa quy định thì phải quyết định, bảo đảm quyền của người dân. Công ước này bắt buộc các cơ quan tham gia phải thi hành. Chánh án cũng cho biết hiện nhiều nước cũng có quy định về nội dung này và đây chính là điểm mạnh, tiến bộ trong việc sửa luật lần này.

Giải đáp những băn khoăn mà nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận về việc sẽ có sự lợi dụng quy định này, Chánh án Toà án nhân dân tối cao cho biết sẽ tiến hành nghiên cứu, trong đó lưu ý tới việc Tòa án ngoài việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích con người, quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức, phải bảo vệ quyền lợi ích của đất nước. Vì vậy những việc lợi dụng để khởi kiện xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa, Tòa án nhất định phải từ chối đồng thời nghiêm trị nếu có hành vi vi phạm trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến chế độ chính trị.

Thông tin thêm về nội dung này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Qua lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), tuyệt đại đa số ý kiến các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh thành phố, các tầng lớp nhân dân ủng hộ quy định “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp. Sứ mệnh của Tòa án là nơi bảo vệ công lý trong quan hệ dân sự, kinh doanh. Nội dung này cũng phù hợp với Bộ luật Dân sự hiện hành, trong đó quy định: nếu pháp luật không có quy định thì Tòa án áp dụng tập quán, nếu không có tập quán thì áp dụng tương tự pháp luật.

Trước đó, trong phiên thảo luận sáng,  nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự, nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó xác định yêu cầu đổi mới tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; đẩy mạnh và coi việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là khâu đột phá của hoạt động xét xử; tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

BT

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,020

Bài viết về

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]