Đây là một trong những điểm mới của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngày 16/6, Bộ TN&MT đã tổ chức góp ý xây dựng, hoàn thiện Nghị định mới này.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến cho biết, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị định số 179/2013/NĐ-CP đã phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, thể hiện qua những mặt tích cực như: Mức xử phạt vi phạm hành chính đã tăng lên; khung và mức phạt đã được chi tiết hóa, đảm bảo công bằng trong quá trình xử phạt; việc phân định thẩm quyền xử phạt của các lực lượng đảm bảo đúng pháp luật, không bị chồng chéo, rõ ràng, cụ thể và theo đúng chức năng nhiệm vụ của các cơ quan…
Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm hành chính trước đây không xử lý được do không có chế tài xử phạt đã được cụ thể hóa trong Nghị định gồm: Các hành vi vi phạm hành chính đối với cơ sở là đối tượng phải lập bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; các cơ sở không có cam kết/kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường; các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn và độ rung; các hành vi vi phạm về bảo tồn đa dạng sinh học... Nghị định 179/2013/NĐ-CP một lần nữa khẳng định là công cụ hiệu quả cho quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho rằng, cùng với việc thay đổi một số cơ chế chính sách mới, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế-xã hội đang phải đối mặt với các vấn đề về ô nhiễm môi trường, việc áp dụng Nghị định số 179/2013/NĐ-CP đã bộc lộ một số tồn tại cần chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp. Đặc biệt, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị định, quyết định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan đã ban hành các thông tư, thông tư liên tịch để cụ thể hóa các quy định về bảo vệ môi trường, do đó phải sửa đổi Nghị định số 179/2013/NĐ-CP để các chế tài phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thực tế hiện nay.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các sở, ngành, địa phương đã góp ý và chia sẻ kinh nghiệm trong xử lý vi phạm về môi trường.
Các ý kiến tập trung thảo luận một số nội dung chính như: Nguyên tắc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường, phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sử dụng để phát hiện vi phạm; hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; thủ tục xử phạt, đặc biệt là việc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm của các lực lượng; hình thức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…
Các ý kiến góp ý sẽ là cơ sở pháp lý, khoa học, khách quan và thực tiễn để góp phần hoàn thiện Dự thảo Nghị định - một văn bản quản trọng nhằm tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật về môi trường. Trên cơ sở các ý kiến, Bộ TN&MT sẽ tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Nghị định gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ trong tháng 8/2015.
Thu Cúc
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ