>> Bộ Tư pháp sẽ yêu cầu rút “lệnh” cấm cán bộ GTVT chơi golf
>> Bộ trưởng Thăng cấm cán bộ lãnh đạo chơi golf
Trước việc một số lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chưa tích cực làm việc mà dành nhiều thời gian chơi golf, Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa ký văn bản số 6630/BGTVT-TCCB ngày 17/10/2011 về việc không tham gia chơi golf được gửi tới tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT.
Theo đó, Bộ trưởng chấn chỉnh và yêu cầu nhân viên của mình không tham gia chơi môn thể thao này.
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các Chủ tịch, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Chủ tịch công ty và tương đương tại các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ GTVT (bao gồm cả Tập đoàn, Tổng Công ty 91), các lãnh đạo thuộc diện Bộ quản lý cấp Vụ và tương đương trở lên không chơi golf, không tổ chức hoặc tham gia các giải golf, để tập trung chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh và giải quyết công việc chuyên môn được giao, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện và giao Vụ Tổ chức cán bộ kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định này. Việc thực hiện yêu cầu này không chỉ trong ngày làm việc mà cả ngày nghỉ cuối tuần.
Ngay sau khi quy định được ban hành, văn bản này đã bị “soi” bởi Bộ Tư pháp.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, ông Lê Hồng Sơn cho biết, văn bản số 6630 ký ngày 17/10 yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT không chơi golf có nội dung sai thẩm quyền, vi phạm quyền cán bộ công chức...Theo đó, nếu cán bộ chơi golf trong giờ hành chính có thể xử lý kỷ luật được nhưng ngoài giờ hành chính, trong ngày nghỉ, “cấm” là…lạm quyền. Cục này cũng đang chuẩn bị văn bản yêu cầu Bộ GTVT xem xét rút lại văn bản quy định này.
Như vậy, ngay sau khi Bộ trưởng Đinh La Thăng “tuýt còi” cán bộ ngành giao thông vận tải về việc chơi golf để bê trễ công việc thì lập tức bộ trưởng đã bị ngành tư pháp “tuýt còi” với những nhận xét nêu trên.
Cuộc “tranh cãi” trong dư luận cũng vì thế mà nóng lên giữa hai luồng ý kiến. Một bên thì cho rằng ông Đinh La Thăng cấm như thế là đúng, cấm vì lợi ích chung, còn bên kia thì nhất định rằng cấm như thế là vi phạm "quyền công dân”?.
Tuy nhiên, người dân có nhiều cơ sở để đồng tình với quy định này của ông Bộ trưởng GTVT.
Trước hết câu chuyện tiêu cực về sân golf ở Việt Nam dường như ai cũng biết và các đại biểu quốc hội cũng đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Ở VN sân golf nhiều gấp 10 lần thế giới. Dự án sân golf chỉ là “trá hình” cho những tiêu cực đất đai. Đất nông nghiệp bị chiếm để làm sân golf, người dân mất đất, mất kế sinh nhai, tiêu cực xã hội cũng từ đấy mà nảy sinh đã rõ.
Golf là môn thể thao quý tộc. Sân golf là sản phẩm chỉ dành cho số rất ít những đối tượng nhiều tiền, có nhu cầu tiêu tiền, đương nhiên đây cũng là một nhu cầu chính đáng trong một xã hội phát triển. Tuy nhiên, những “mặt trái” của môn thể thao này cũng nhiều điều đáng nói.
Nghề chơi cũng lắm công phu, để đến được với sân golf, người ta phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Mỗi chuyến chơi golf mất cả ngày trời, chi phí xăng xe đi lại hàng trăm cây số. Những dụng cụ mua sắm cho nghề chơi cũng đáng “giật mình”: một cây gậy golf “xịn” giá lên tới gần 40 triệu, giày thể thao: 3-5 triệu; quần áo: 5-7 triệu…Đó là chưa kể những phụ kiện khác như: ống nhòm, mũ, bóng; các chi phí sân bãi, đồ ăn nước uống…
Với những chi phí khủng như vậy thì ai cũng biết, môn chơi này dành cho ai? Liệu những cán bộ, công chức bằng nguồn thu nhập chính đáng có dám bỏ ra một đống tiền thế để chơi golf hay không? Hay chơi golf chỉ để thể hiện sự “thời thượng” của mình?
Xét về mặt xã hội, chơi golf không vi phạm pháp luật, vì vậy không thể cấm việc chơi golf. Nhưng trong bối cảnh ngành GTVT đang ngồi trên “ghế nóng” thì việc Bộ GTVT cấm chơi golf là hoàn toàn có lý và nhận được rất nhiều sự đồng tình của dư luận vì nó xuất phát từ lợi ích chung.
Về lý do quy định trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thẳng thắn chỉ rõ, văn bản ra đời xuất phát từ thực tế ngành GTVT có tình trạng một số lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tích cực chỉ đạo, điều hành công việc, dẫn đến việc xử lý công việc còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ công trình, dự án và hoạt động chung của đơn vị mà một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cán bộ mất quá nhiều thời gian để chơi golf (đặc biệt là trong các ngày nghỉ). Như vậy Bộ trưởng đã tìm ra một trong những nguyên nhân gây ra căn bệnh trầm kha của ngành GTVT và “bốc thuốc” để chữa căn bệnh này.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết thêm: “Bản thân các môn thể thao cũng không có tội. Chơi golf là tốt, chơi thể thao là rất tốt, nhưng trong bối cảnh kinh tế đất nước, kinh tế thế giới đang khó khăn như hiện nay thì cần phải tập trung nhiều thời gian hơn, nhiều trí tuệ hơn cho công việc”. “Là cán bộ Đảng viên thì phải tuân thủ điều lệ Đảng, ngoài ra phải tuân thủ những quy định của ngành, của cơ quan mình làm việc”.
Đúng vậy, là tư lệnh của một ngành, ông Thăng hoàn toàn có quyền và dám chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình. Từ khi nhậm chức trên “ghế nóng”, Bộ trưởng Đinh La Thăng được ghi nhận là đã rất “mạnh tay” đưa ra những biện pháp rất tích cực để “dọn dẹp” và bước đầu giải quyết những vẫn nạn dài dài của ngành giao thông như: ùn tắc giao thông; lấn chiếm lòng đường, vỉa hè…
Các quyết định được nhiều người đồng tình nhưng cũng vấp phải những ý kiến trái chiều mà Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp là một ví dụ. Lý lẽ của Cục này là nếu cán bộ chơi golf trong giờ hành chính có thể xử lý kỷ luật được nhưng ngoài giờ hành chính, trong ngày nghỉ, “cấm” là…lạm quyền. Chơi trong giờ hành chính bị cấm là lẽ đương nhiên nhưng “cấm chơi” ngoài giờ hành chính thì xưa nay chắc chỉ mình Bộ trưởng Thăng dám làm. Mà đó lại là cấm chơi golf, chiếm nhiều thời gian, tiền bạc trong khi các dự án, công trình của đất nước không cho phép ngành GTVT “nghỉ”. Hơn nữa, đây chỉ là quy định của một ngành thì cán bộ trong ngành phải tuân thủ.
Vậy ra, những quy định này phù hợp với công việc và lợi ích chung, được sự đồng tình của công luận thì ngành tư pháp cũng cần xem lại và nếu cần, có thể cải cách những “quy định” không còn phù hợp thực tế cuộc sống.
Theo Thế giới ảnh