Hai kẻ tội lỗi
Ngồi trước vành móng ngựa, bị cáo Trần Văn Hoàng trơ trơ như cái xác không hồn, một gương mặt của kẻ ngẩn ngơ khờ khạo.
Mặc người dự khán bước lại gần, gương mặt ấy vẫn không mảy may cảm xúc, chỉ có người đàn bà ngồi cạnh rụt rè cúi xuống như muốn xua tan bao ý nghĩ về tấn bi kịch gia đình.
Trần Văn Hoàng (38 tuổi, Đồng Nai) là em chồng của N.T.T.H., cùng ngụ tại xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Trong thời gian anh trai đi làm xa vắng nhà, khoảng đầu năm 2006, giữa Hoàng và chị dâu bắt đầu nảy sinh tình cảm.
Người chồng lớn hơn 16 tuổi thường xuyên vắng nhà càng khiến H. như con thiêu thân lao vào mối tình tội lỗi. Cô dễ dàng có cơ hội hẹn hò với em chồng ngay chính tại căn nhà trước đây là tổ ấm của cả gia đình.
Gia đình hai bên cũng chẳng mảy may nghi ngờ họ bởi “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, huống chi Hoàng là em ruột của chồng H., là chú ruột của đứa cháu nhỏ nên việc người đàn ông này thường xuyên ghé nhà anh trai được xem là lẽ thường tình.
Thế rồi cái gì đến cũng đến, dần già cả gia đình cũng nhận ra những điểm bất thường trong quan hệ của họ sau những lần bắt gặp Hoàng ở cạnh chị dâu cả những lúc đêm hôm khuya khoắt.
Nửa năm sau, người cha già và hai chị gái của Hoàng chính thức phát hiện mối quan hệ tày đình ấy.
Bị cáo Trần Văn Hoàng và người chị gái tại toà |
Họ ra sức ngăn cản mong tìm ra một lối thoát cho cả gia đình, cho câu chuyện quá đỗi kinh hoàng ở chốn thôn quê ấy. Thế nhưng sự sợ hãi dư luận càng làm cho câu chuyện bị bưng bít, hai con người tội lỗi thỉnh thoảng vẫn lén lút gặp nhau, họ trượt sâu vào thứ tình cảm nhớp nhơ, dục vọng.
Bi kịch gia đình
Không đủ can đảm để vượt qua sự thật, H. muốn dần rút chân khỏi vũng lầy tội lỗi bằng cách bỏ nhà đi làm công nhân ở một tỉnh bên cạnh.
Khoảng 12 giờ đêm ngày 16/9/2006, H. nhắn cho người tình đến nhà xem phim. Khoảng 1 giờ sáng, Hoàng bước vào phòng ngủ của chị dâu để hai người tâm sự.
Khi nghe H. nói sẽ đi làm xa nên không thể thường xuyên gặp nhau, Hoàng như nổi điên, không đồng ý. Cũng vì lý do đó, Hoàng và H. đã cãi nhau. Thấy H. vẫn kiên quyết nói sẽ ra đi như để lảng tránh mình, Hoàng nổi điên bóp cổ H. dẫn đến tử vong.
Thấy chị dâu đã chết, Hoàng bỏ về lấy dao tự tử. Khoảng 4 giờ sáng, con trai H. tỉnh dậy phát hiện mẹ đang nằm bất động liền chạy sang báo cho ông nội và hai bác gái nghe. Họ nhanh chóng nghĩ đến Hoàng nên cũng lao cửa phòng xông vào. Lúc ấy, Hoàng đang vật vã trên vũng máu nên lập tức được đưa đi cấp cứu.
Vụ án xảy ra làm xôn xao dư luận địa phương. Quá trình điều tra, Hoàng bắt đầu có những biểu hiện tâm thần không bình thường. Có lẽ sự ám ảnh về mối tình tội lỗi và cái chết của người chị dâu đã làm căn bệnh tâm thần vốn có trong tiền sử bệnh tật của gia đình thừa cơ trỗi dậy. Cơ quan điều tra ra quyết định yêu cầu giám định tâm thần với hắn.
Theo kết quả giám định lần đầu, Trần Văn Hoàng mắc chứng rối loạn cảm xúc không ổn định nhưng vẫn đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự nên chỉ đề nghị coi đó là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Hoàng lại có những biểu hiện thần kinh bất ổn nên cơ quan tố tụng tiếp tục đề nghị đưa đi giám định. Theo kết quả lần này, Hoàng đang bị trầm cảm nặng, không có khả năng tiếp xúc và làm việc với cơ quan pháp luật, cần được điều trị bắt buộc tại Bệnh viện tâm thần Trung ương II một thời gian.
Sau thời gian điều trị, Hoàng được đưa ra xét xử khi tình trạng thần kinh đã ổn định. Do bị cáo vẫn là người mắc bệnh tâm thần nên được xem xét, giảm nhẹ đặc biệt.
Tòa sơ thẩm tuyên phạt Hoàng mức án bằng với thời gian tạm giam là 4 năm 9 tháng 9 ngày tù về tội “giết người”, Hoàng được gia đình đưa về nhà chăm sóc, điều trị. Không đồng tình, Viện kiểm sát đã kháng nghị, đề nghị tăng hình phạt với Hoàng lên thành từ 6 đến 7 năm tù.
Tại phiên phúc thẩm, Hoàng ngồi trơ như tượng. Phiên tòa xét xử bị cáo diễn ra chóng vánh bởi kẻ đứng trước vành móng ngựa là gã đàn ông ngây ngô, khờ khạo. Hoàng ngồi im cạnh người chị gái giữ vai trò đại diện hợp pháp như một đứa trẻ ngoan biết vâng lời. Thỉnh thoảng, bị cáo đưa tay gãi mái đầu có những sợi tóc điểm bạc, bù xù.
Nghe tòa tuyên bác kháng nghị tăng hình phạt của Viện, giữ nguyên án sơ thẩm, người chị lật đật chắp tay lạy Hội đồng xét xử rồi vội vàng dắt em trai ra khỏi phòng. Tới hàng ghế ngoài phòng xử, chị xúc động ngồi xuống đưa hai bàn tay run run ôm ngực, nước mắt ứa ra.
Nhìn chị khóc gương mặt Hoàng thuỗn ra ngơ ngác. Vài phút sau, thấy em trai luýnh quýnh, người chị vội hỏi người bảo vệ nhà vệ sinh ở đâu.
Nhìn người đàn bà tuổi dắt đứa em trai cao ráo, chậm chạp đang cố gắng bước nhanh qua từng bậc tam cấp người ta chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Chị cho biết người cha già 90 tuổi đang trông ngóng ở nhà để hay tin tức của đứa con trai tội lỗi. Giá như những kẻ trong cuộc biết làm chủ mình, biết tôn trọng luân thường, đạo lý ở đời thì đâu nên nỗi!
Mai Phượng