Năm 2016 là năm có ý nghĩa rất quan trọng,
là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và
kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020; đồng thời, Luật NSNN (sửa đổi)
đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/6/2015 quy định thời
kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2011-2015 được kéo dài đến hết năm 2016. Việc
xây dựng dự toán NSNN năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu ổn định kinh
tế vĩ mô, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hợp lý, từng bước cơ cấu lại NSNN, tiếp tục
ưu tiên đầu tư hợp lý cho con người, giải quyết tốt các chính sách an sinh xã hội,
đảm bảo an ninh, quốc phòng trong tình hình mới.
Bộ Tài chính nêu rõ, dự toán thu NSNN năm 2016 phải được xây dựng tích cực và theo đúng chính sách hiện hành, trên cơ sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu NSNN năm 2015, dự báo tình hình đầu tư, phát triển sản xuất-kinh doanh và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu năm 2016 có tính đến các tác động trong và ngoài nước trong tình hình mới.
Trên cơ sở đó, đặt mục tiêu huy động vào NSNN năm 2016 từ thuế, phí khoảng 18-19% GDP. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ tiền sử đụng đất) phấn đấu tăng bình quân tối thiểu từ 15% trở lên so với đánh giá ước thực hiện năm 2015. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phấn đấu tăng bình quân tối thiểu 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2015. Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.
Các địa phương khi xây dựng dự toán thu NSNN trên địa bàn năm 2016 ngoài việc phải đảm bảo các yêu cầu như đã nêu trên, phải tổng hợp toàn bộ nguồn thu phát sinh trên địa bàn. Khi xây dựng dự toán thu NSNN năm 2016 phải dựa trên cở sở đánh giá đầy đủ thực tế thực hiện năm 2014; yêu cầu phấn đấu và khả năng thực hiện năm 2015 và số kiểm tra về dự toán thu năm 2016 được cơ quan có thẩm quyền thông báo.
Dự toán thu phải đảm bảo tính đúng, tính đủ từng lĩnh vực thu, từng sắc thuế theo các quy định của pháp luật về thuế, chế độ thu, pháp luật thu từ xử phạt vi phạm hành chính, trong đó cần chú ý những chế độ, chính sách thu mới được ban hành sửa đổi, bổ sung đã có hiệu lực thi hành từ năm 2015 và những chính sách dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành trong năm 2015 và năm 2016.
Xây dựng dự toán chi NSNN
Khi xây dựng dự toán chi NSNN năm 2016, các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương cần chú ý: Việc xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển từ NSNN năm 2016 phải ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); vốn đối ứng cho các dự án ODA; bố trí vốn cho những công trình đã hoàn thành trước ngày 31/12/2015 nhưng còn thiếu vốn, các công trình chuyển tiếp cần rà soát phạm vi, quy mô đầu tư phù hợp với mục tiêu và khả năng cân đối vốn.
Các dự án khởi công mới, chỉ bố trí vốn khởi công mới các dự án thật sự cấp bách đáp ứng đủ các điều kiện: nằm trong quy hoạch đã được duyệt; đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách; chậm nhất đến ngày 31/10/2015 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư.
Đối với chi thường xuyên, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương căn cứ nhiệm vụ chính trị, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 của Bộ, cơ quan và từng địa phương, xây dựng dự toán chi thường xuyên trên cơ sở định mức phân bổ chi thường xuyên của NSNN và chính sách, chế độ cụ thể đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Trong đó, chi tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương tính theo mức tiền lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng, các khoản trích theo lương thực hiện theo Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 14/8/2015.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ