Sẽ tăng mức đóng BHYT

10/09/2016 08:22 AM

Bộ Y tế đề nghị điều chỉnh mức đóng BHYT với 2 phương án tăng 0,3% và 0,5%/năm so với mức đóng hiện hành là 4,5% mức lương cơ sở, thực hiện từ năm 2019

Cùng với lộ trình điều chỉnh viện phí, Bộ Y tế vừa trình Chính phủ các phương án tăng mức đóng BHYT để bảo đảm nguồn chi khám chữa bệnh và lương cho nhân viên y tế.

“Vừa thấp vừa muộn”

Theo đại diện Bộ Y tế, mặc dù quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối được đến hết năm 2018 nhưng cần phải nghiên cứu, đề xuất tăng mức đóng BHYT từ bây giờ. Với lý do đó, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ cho phép bộ này và các bộ liên quan trình phương án điều chỉnh mức đóng BHYT.

Cụ thể, có 2 phương án điều chỉnh mức đóng BHYT, thực hiện từ năm 2019. Phương án 1: Điều chỉnh tăng mức đóng BHYT thêm 0,3%/năm. Theo đó, lộ trình tăng mức đóng dự kiến năm 2019 là 4,8% lương cơ sở, năm 2020 là 5,1%, năm 2022 là 5,4%, năm 2023 là 5,7% và năm 2024 là 6%. Phương án 2: Điều chỉnh tăng với mức 0,5%/năm. Theo đó, dự kiến mức đóng BHYT năm 2019 là 5% lương cơ sở, năm 2020 là 5,5% và năm 2021 là 6%. Hiện nay, mức đóng BHYT bằng 4,5% lương cơ sở (1.210.000 đồng/tháng).

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết cơ quan bảo hiểm chưa nhận được đề xuất tăng mức đóng BHYT của Bộ Y tế nhưng chắc chắn 2 bên sẽ phải thảo luận, tính toán tìm phương án hợp lý nhất. Theo ông Thảo, với nguồn kết dư từ năm 2010 thì đến hết năm 2017, quỹ BHYT vẫn còn “co kéo” được, còn sau thời điểm này buộc phải tăng mức đóng BHYT.

Về đề xuất tăng mức đóng BHYT 0,3%-0,5%/năm từ năm 2019 của Bộ Y tế, ông Thảo cho rằng là quá ít. “Từ nay đến đầu năm 2017, viện phí liên tục được điều chỉnh theo lộ trình. Trong khi đó, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016, khi tăng viện phí từ ngày 1-3, tổng chi khám chữa bệnh đã tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015, với tiền tăng thêm 8.545 tỉ đồng và 37 tỉnh có số chi vượt quỹ khám chữa bệnh được giao. Nếu chỉ tăng mức đóng BHYT nhỏ giọt như đề xuất của Bộ Y tế, kết dư quỹ sẽ không còn để bù vào chi phí đội lên. Do vậy, năm 2019 phải tăng đến mức tối đa theo quy định là 6% lương cơ sở” - ông Thảo phân tích.

Trong khi đó, tính toán những tác động của việc điều chỉnh viện phí, ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam, đưa ra con số đến năm 2015, Quỹ BHYT kết dư gần 40.000 tỉ đồng. Khi viện phí tăng và tăng đối tượng tham gia, ước tính từ năm 2016, mỗi năm chi phí đội thêm khoảng 15.000 tỉ đồng. Đến năm 2018, kết dư của Quỹ BHYT không những hết sạch mà còn “âm”.

“Năm 2016, bình quân một thẻ BHYT thu được 621.000 đồng nhưng thời gian qua chi trung bình trên 700.000 đồng/thẻ. Đề xuất tăng mức đóng BHYT của Bộ Y tế không chỉ thấp mà còn quá muộn. Nên tính toán điều chỉnh mức đóng BHYT trước năm 2019” - ông Phúc đề nghị.

Ngoài phương án điều chỉnh mức đóng BHYT, Bộ Y tế cũng đề xuất tăng viện phí với nhóm chưa có thẻ BHYT để bình đẳng trong khám chữa bệnh

Tăng viện phí nhóm không BHYT

Để khuyến khích người dân tham gia BHYT, tạo sự bình đẳng trong khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ cho phép phối hợp với Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định mức giá tối đa đối với người không có BHYT bằng mức giá của người có thẻ BHYT.

Cùng với đó, để giảm áp lực đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), dự kiến từ ngày 1-1-2017 hoặc từ ngày 1-3-2017, Bộ Y tế sẽ thực hiện điều chỉnh viện phí, bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp và tiền lương. Như vậy, mức điều chỉnh viện phí sau khi tính hàng loạt chi phí sẽ tăng khoảng 50% so với khung giá hiện nay đối với nhóm chưa có BHYT.

Đề xuất điều chỉnh giá khám chữa bệnh này sẽ tác động đến hơn 20% dân số chưa tham gia BHYT. Dù vậy, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, khẳng định việc tính đủ sẽ đưa giá dịch vụ y tế về đúng giá trị thật, từ đó khuyến khích người dân tham gia BHYT. Ông Liên lập luận: Nếu không tính đủ, giá thấp, nhiều người sẽ không tham gia BHYT mà bỏ tiền túi ra chi trả. Còn khi tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, người dân sẽ thấy được lợi ích của việc mua BHYT.

Trước đó, năm 2016, viện phí đã được điều chỉnh 2 lần cho nhóm đối tượng tham gia BHYT. Trong đó, từ ngày 1-3, tính thêm phụ cấp phẫu thuật thủ thuật và từ tháng 8-2016, tính thêm tiền lương. Tuy nhiên, mức điều chỉnh lần 2 mới áp dụng cho 16 tỉnh, thành có tỉ lệ tham gia BHYT trên 85%. Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ cho phép bộ tiếp tục thực hiện mức giá khám chữa bệnh BHYT có tiền lương đối với các tỉnh còn lại, dự tính chia làm 3 đợt vào tháng 10, 11 và 12-2016.

Hỗ trợ đóng BHYT

Theo quy định hiện hành, mức đóng BHYT năm 2016 bằng 4,5% lương cơ sở, tương đương 621.000 đồng. Trong đó, người lao động đóng 1,5% và người sử dụng lao động đóng 3%. Đối với hộ gia đình, người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở, người thứ 2 đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất và lần lượt người thứ 3 bằng 60%, người thứ 4 bằng 50%, từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% (tương ứng 621.000 + 434.700 + 372.600 + 310.500 + 248.000 đồng).

Nhóm học sinh, sinh viên được nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT năm học 2016-2017, tương đương 457.380 đồng/năm. Nhóm cận nghèo được nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT nên chỉ phải đóng khoảng 150.000 đồng/năm.

Ngọc Dung

Theo Người lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,269

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]