Chia sẻ với báo giới sau buổi chất vấn sáng 23/11, ông Đinh La Thăng cho hay ông “chủ yếu lo ghi đúng tên đại biểu, trả lời cho đúng cái tên đã là tốt rồi”, bởi theo ông “riêng việc ghi tên đại biểu Quốc hội đã không kịp rồi”.
“Có lúc tôi cũng run. Các bạn thử ngồi trên đấy xem, không nhớ gì cả”, ông Thăng nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời câu hỏi của các phóng viên. |
'Đó không phải là vòng vo'
Nghĩa là việc đại biểu nhận xét Bộ trưởng trả lời vòng vo là do câu hỏi dài?
Thực ra do ban đầu chủ tọa đặt vấn đề không trả lời từng câu hỏi mà trả lời theo nhóm vấn đề, không thể thỏa mãn một đại biểu cụ thể mà lại dài. Đó không phải là vòng vo, mà vì phải cùng lúc trả lời nhiều đại biểu, với các câu hỏi không giống nhau, chỉ na ná nhau. Trả lời vì thế dài, vòng vo theo đánh giá của đại biểu.
Còn nếu trả lời từng câu hỏi đại biểu thì làm sao vòng vo được. Đại biểu hỏi thế nào mình trả lời thế ấy.
Có ý kiến ĐBQH cho rằng cách trả lời chất vấn như ông thì ai cũng có thể làm được Bộ trưởng, ông suy nghĩ gì về việc đó?
Tôi nghĩ Bộ trưởng là do Quốc hội phê chuẩn chứ không phải ai cũng làm được Bộ trưởng. Chúng ta đang nói đến văn hóa giao thông thì cũng cần có văn hóa về chất vấn.
Máu lửa
Qua những câu hỏi, có gì ông đúc rút kinh nghiệm, giải pháp điều hành?
Thực ra nguyên nhân, giải pháp mọi người đều biết cả rồi. Vấn đề bây giờ là tổ chức triển khai thực hiện một cách quyết liệt, máu lửa, chứ không phải là chỉ nói mà không làm. Vấn đề bây giờ là hành động hay không hành động, chứ có gì là mới đâu.
Ông đã nêu nhiều giải pháp từ khi làm Bộ trưởng, tuy nhiên, không ít ý kiến đánh giá đó chỉ là những giải pháp tình thế?
Thực ra tất cả giải pháp đều nằm trong tổng thể, kể cả trước mắt hay lâu dài. Không phải các giải pháp trước mắt chỉ là giải pháp manh mún, chắp vá.
Đổi giờ, người ta cứ bảo chắp vá, không căn cơ, nhưng không phải vậy. Nó nằm trong tổng thể một loạt các giải pháp. Phân luồng, phân làn cũng nằm trong tổng thể ấy.
Thưa ông, Chủ tịch Quốc hội khi kết luận buổi chất vấn có gợi ý việc ra nghị quyết về việc giảm 5-10% tai nạn. Nếu năm 2012 đại biểu chất vấn trong trường hợp không đạt chỉ tiêu giảm tai nạn giao thông thì sao?
Đó là phấn đấu giảm. Thực tiễn từng làm được như thế rồi, 2008 đã giảm số tai nạn giao thông hơn 10% so với năm 2007. Nếu làm quyết liệt, toàn dân vào cuộc, cả hệ thống chính trị vào cuộc, không lý gì không làm được.
Nếu không đạt, đương nhiên Bộ trưởng cũng có trách nhiệm trong đó.
Trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng như thế nào, thưa ông?
Quan trọng nhất là ra văn bản quy phạm pháp luật. Ùn tắc, trước hết, các địa phương chủ trì, Bộ Giao thông chỉ phối hợp. Ở các quốc lộ, trách nhiệm của Bộ Giao thông. Giải pháp cũng nói rồi. Các địa phương phải xem nhiệm vụ giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông là nhiệm vụ chính trị, ngang với phát triển kinh tế - xã hội.
Ai cấp phép xây nhà cao tầng?
Bộ trưởng Xây dựng nói nếu vẫn duy trì tình trạng xây nhà cao tầng trong thành phố như hiện nay thì vài năm nữa, tình hình ùn tắc chỉ có thể tăng, khó giảm. Bộ trưởng nghĩ sao?
Đó là việc của ai? Quy hoạch là Bộ Xây dựng. Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch là các địa phương. Chúng ta cứ nói nhiều về ý thức của người dân, nhưng thực ra, trước hết phải nói đến quản lý nhà nước trước. Ai là người quyết định cấp phép làm nhà cao tầng? Người dân có cấp phép không? Người dân có cấp phép cho thuê lòng đường, vỉa hè không?
Làm sao nói ý thức người dân được.
Bản thân người dân chỉ muốn an toàn ra đường, không ai muốn chết cả, trừ những thành phần đánh võng, đua xe.
Người ta có ý thức chấp hành luật giao thông. Nhưng do quản lý của mình còn yếu kém, hạ tầng chưa tốt, cũng tác động một phần khiến người dân phạm luật. Ví dụ, đường chật, đèn đỏ, vỉa hè còn trống người ta vọt lên. Hai là chế tài không có, người thực hiện hay không thực hiện tốt luật cũng thế cả, nên người tốt cũng thành chưa tốt.
Báo chí phải vào cuộc tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của dân, tạo phong trào tẩy chay với người vi phạm luật lệ giao thông, tẩy chay cả những người thi hành công vụ không làm đúng luật.
Phương Loan ghi - Ảnh: Minh Thăng