Ngày 30/5, trả lời báo chí về quy định liên quan đến trách nhiệm tố giác tội phạm của luật sư trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Luật sư phải bảo vệ thân chủ là đúng rồi, nhưng cũng có trách nhiệm bảo vệ công lý".
Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề quan trọng khi đề cập đến nội dung nêu trên là phải thượng tôn pháp luật, dự thảo Luật đã quy định với tinh thần giới hạn ở những tội đặc biệt nghiêm trọng thì luật sư mới phải tiết lộ thông tin của thân chủ.
Bà Ngân cho hay, nội dung này sẽ được cơ quan soạn thảo, thẩm tra và Liên đoàn luật sư ngồi lại với nhau để thảo luận thêm "sao cho hết ý và thấu tình đạt lý", sau đó mới đưa ra Quốc hội xem xét.
"Có thể Quốc hội sẽ lấy phiếu, nếu đa số đại biểu Quốc hội chọn thì đưa vào luật. Cuối cùng là quyền của Quốc hội", bà Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Trước đó sáng 27/5, Quốc hội tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015.
Nhiều đại biểu đã cho ý kiến vào khoản 3 điều 19 của dự thảo, quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, điều tra tội phạm là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan điều tra, về phía luật sư nếu tố giác tội phạm, trong khi người đó là thân chủ thì niềm tin của khách hàng và xã hội vào nghề luật sư sẽ mất dần và bị thui chột. Theo ông, trường hợp phát hiện thân chủ phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia thì phải tố giác. Nhưng với tội đặc biệt nghiêm trọng, ông Thịnh đề xuất thu hẹp 20 đến 30 tội thay vì quy định 83 tội.
“Tôi xin hỏi Liên đoàn luật sư, trước khi sửa bộ luật này có điều gì làm thui chột nghề luật sư chưa?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu câu hỏi. Bà Ngân cho rằng, Bộ Luật hình sự có gần 500 điều mà Liên đoàn luật sư chỉ đi bảo vệ một điều cho mình là chưa thỏa đáng vì ngoài đạo đức luật sư, còn trách nhiệm, đạo đức của một công dân.
Chia sẻ băn khoăn của giới luật sư, Chủ tịch Quốc hội cho hay, đúng là luật sư cứ đi tố giác thân chủ thì không được. Nhưng phải có giới hạn, nếu tội đó làm ảnh hưởng tới quốc gia, tới nhiều người dân vô tội thì luật sư không thể làm ngơ.
Điều 19. Không tố giác tội phạm 1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong các trường hợp quy định tại Điều 390 của bộ luật này. 2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của bộ luật này. 3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của bộ luật này. (Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015) |
Hoàng Thùy
Theo VnExpress