Suốt 2 năm qua, câu chuyện về 3 thanh niên là Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Kiên và Nguyễn Đình Tình ở xã Yên Nghĩa, Hà Đông (Hà Nội), bị tòa án nhân dân tối cao tuyên phạt tổng cộng 41 năm tù vì tội “hiếp dâm” và “cướp tài sản” trong một vụ án cách đây 11 năm trên địa bàn thôn La Cả, xã Yên Nghĩa, Hà Đông (Hà Tây Cũ) đã được dư luận hết sức quan tâm. Sau gần 10 năm ngồi tù, 3 thanh niên này được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị vô tội, sau đó được tạm tha chờ giám đốc thẩm. Một tình tiết được nhiều cơ quan truyền thông triệt để khai thác trong vụ án này là lương y Phạm Thị Hồng ở thị xã Hà Đông sau 1 lần khám bệnh cho Nguyễn Đình Lợi đã khẳng định anh này vẫn còn “trinh” vì “huyệt Dương Minh” vẫn còn, và như vậy thì đương nhiên không thể phạm tội hiếp dâm.
Đã có rất nhiều bài báo viết về cái huyệt “thần kỳ” này, tuy nhiên, chúng tôi đã tham khảo ý kiến nhiều nhà chuyên môn và câu trả lời nhận được đây là cái huyệt khá… mơ hồ.
Huyệt Dương Minh: Chuyện “hot” trên mạng
Thời buổi bùng nổ thông tin, Internet trở thành nơi có đủ thứ thông tin trên trời dưới biển. Những câu chuyện liên quan tới các vụ án và giới tính luôn là thông tin “hot” được các báo điện tử và các trang mạng khai thác triệt để. Vì thế câu chuyện “huyệt trai tân” lại gắn với một vụ án hình sự đương nhiên được khai thác tối đa, trong đó có cả những yếu tố ly kỳ. Chỉ cần vào trang google.com.vn và đánh dòng chữ “huyệt trai tân” thì sau 0.18 giây lập tức ra khoảng 1.240.000 kết quả đủ thấy độ “hot” của câu chuyện này tới mức nào.
Tôi đã đọc rất nhiều bài báo viết về câu chuyện này và đều thấy na ná nhau, vì vậy có thể tóm tắt câu chuyện tìm ra “huyệt trai tân” của bà Hồng thế này: tại các phiên tòa năm 2002, 3 thanh niên ở xã Yên Nghĩa, Hà Đông (Hà Nội) là Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Kiên (cùng 30 tuổi) và Nguyễn Đình Tình (29 tuổi) phải nhận án tổng cộng 41 năm tù, vì tội hiếp dâm cướp tài sản.
Năm 2006, Trại giam Thanh Xuân có đưa một phạm nhân nam, tên là Nguyễn Đình Lợi đến bệnh viện nơi bà Hồng đang làm việc để điều trị. Theo mô tả trên các báo thì khi đến bệnh viện, phạm nhân Lợi gần như liệt nửa người. Sau khi bắt mạch, bà Hồng quyết định châm cứu để phục hồi chức năng cho Lợi. Do là phạm nhân nên Lợi luôn bị xích ở cổ chân mà nơi ấy là một huyệt quan trọng để châm cứu. Vì vậy bà Hồng đề nghị cán bộ của trại giam tháo xích để tiến hành châm cứu.
Sau khi tìm hiểu nhân thân, bà Hồng biết Lợi đi tù vì tôi hiếp dâm. Nhưng khi bà Hồng hỏi Lợi quan hệ với phụ nữ bao nhiêu lần rồi thì Lợi khóc và nói mình vẫn là trai tân, chưa hề biết thế nào là phụ nữ. Để kiểm tra, bà Hồng quyết định bấm “huyệt Dương Minh”, cái huyệt này nằm ở vị trí dưới dái tai.
Trong nhiều bài báo đã viết rằng theo lời giải thích của bà Hồng thì “những người đàn ông chưa bao giờ quan hệ tình dục với phụ nữ thì cái huyệt ấy vẫn chưa đứt. Huyệt này chỉ đứt khi có khí âm hút vào. Ngược lại, với phụ nữ huyệt này gọi là “Khuyết Âm”, nằm ở vùng ức và nếu chưa có quan hệ với đàn ông thì nó cũng sẽ không đứt. Ngày xưa, khi tuyển cung phi cho vua chúa, những Lương y thường xem huyệt này để kiểm tra trinh tiết…”. Có báo còn viết rất mùi mẫn: “Chị (lương y Phạm Thị Hồng – PV) mô tả rằng, huyệt này nó như một sợi chỉ màu hồng rất đẹp nếu đúng ngày nó sẽ nổi lên khi ấy cơ thể con người có một luồng khí rất mạnh, tươi mới, tinh khôi… đàn ông sẽ trở nên mạnh mẽ, phụ nữ sẽ trở nên đẹp lạ lùng! Những lương y có nghề sẽ biết cách xem cái huyệt này”.
Khi kiểm tra “huyệt Dương Minh” của Lợi, bà Hồng “hoàn toàn bất ngờ khi thấy “huyệt Dương Minh” của Lợi còn nguyên vẹn”. Bắt đầu từ đây, bà Hồng quyết định đi kêu oan cho 3 thanh niên, và đến đầu năm 2010, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị theo hướng 3 thanh niên này vô tội…
Sau khi 3 thanh niên được tạm tha thì câu chuyện về “huyệt trai tân” đã thu hút sự quan tâm đặc biệt, thậm chí có người đã coi bà Hồng như… Bao Công bởi nhờ có bà phát hiện ra cái huyệt ấy mà 3 thanh niên kia thoát khỏi án hiếp dâm, một cái án mà nếu sau này dù có được ra tù nhưng vẫn là vết nhơ trong đời.
Trên các mạng xã hội cũng bàn tán rất nhiều về cái “huyệt trai tân” này. Bởi trước đó, ai cũng nghĩ rằng chỉ có phụ nữ thì mới có thể kiểm tra trinh tiết qua kiểm tra màng trinh và một vài bộ phận trên cơ thể (thế mới có chuyện nhiều chị em lỡ trót dại với người yêu, đến khi không lấy được nhau, yêu người khác đã giấu chuyện bị mất “cái ngàn vàng” bằng cách đi… vá trinh), chứ với đàn ông thì… cứ vô tư đi, bởi “hàng” đã dùng hay chưa thì chỉ có chủ nhân của nó mới biết mà thôi, nên chị em dù có muốn kiểm tra người yêu mình còn “zin” cũng chịu vì “cái ấy đã dùng hay chưa dùng có khác gì nhau đâu” nên đành an ủi kiểu AQ rằng, “thôi miễn sao họ yêu mình là được”.
Sau khi câu chuyện “huyệt trai tân” tràn ngập trên các báo, trên mạng các chị em còn hồ hởi hô hào nhau rằng: “Bí mật huyệt trai tân: chị em đọc mà biết cách kiểm tra chàng còn “zin” hay không nhé” với vô số comment kiểu như: “Giả vờ âu yến chàng rồi ngó qua, nó chưa đứt thì ắt sẽ hiện lên, á, chàng còn tân”, rồi “hay quá, có một anh đang cưa cẩm mình và luôn thề thốt chưa từng biết tới người phụ nữ nào, mình phải kiểm tra xem chàng có còn cái “huyệt trai tân” không thì mới tính tiếp”; có anh chàng thì lo lắng hỏi: “các bác có biết chỗ nào… nối “huyệt trai tân” không”…
Trên mạng còn bàn tán về “vạch trinh tiết” được đề cập trong bài viết “Làm thế nào để phân biệt trai tân” với trích dẫn ý kiến của một giáo sư – bác sĩ. Theo vị giáo sư này thì “vạch trinh tiết” của đàn ông giống như vết dao hay vết móng tay cứa lên da, nằm phía trong khớp cánh tay về phía bàn tay khoảng 1cm và có cả ở hai cánh tay. “Nếu là nam trinh, hai vạch này nhìn bằng mắt thường cũng thấy. Nếu quan hệ tình dục, vạch này sẽ biến mất. Trước kia, Võ Tắc Thiên từng dựa vào vạch trinh tiết để tuyển “trinh nam” vào phục vụ trong cung”.
Thậm chí, có chị em còn truyền nhau “kinh nghiệm” kiểm tra sự trinh tiết của bạn trai bằng cách rất khó tưởng tượng nổi là… bắt người yêu trèo lên cây đu đủ hái quả, nếu còn trinh tiết thì quả đu đủ sẽ không ra mủ, còn quả đu đủ đó ra mủ thì người đó đương nhiên thuộc diện “hàng đã dùng”…
“Huyệt Dương Minh”: Có thật hay chỉ là huyễn hoặc?
Vậy có hay không “huyệt Dương Minh”? Nếu có thì liệu căn cứ vào đó, có thể khẳng định một nam thanh niên có còn trinh như bà Hồng khẳng định hay không? Bởi trước đó, trên một số tờ báo cũng đã thấy trích đăng ý kiến của một số bác sĩ.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, thạc sĩ Đoàn Minh Thụy, Khoa Ngoại Nam học, Bệnh viện Tuệ Tĩnh học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết: dù đã nhiều năm nghiên cứu, chữa bệnh bằng phương pháp đông y, song chưa từng tiếp cận tài liệu nào nói về “huyệt Dương Minh”. Bởi ngay cả cuốn “Tố Nữ Kinh” của Trung Quốc cũng không thấy nói đến “huyệt Dương Minh” hay “Khuyết Âm”.
Khi tôi hỏi về “huyệt Dương Minh”, một bác sĩ ở Bệnh viện châm cứu TW cho biết dù đã nhiều năm làm nghề nhưng trong số 50 huyệt ở vùng đầu ông chưa nghe nói tới huyệt nào có tên là “Dương Minh”.
Theo vị bác sĩ này, trên cơ thể người, Y học cổ truyển chia làm 12 đường kinh chính và 2 mạch Nhâm Đốc gộp lại thường gọi là 14 kinh. Cũng phải nói thêm một chút về vấn đề này. Theo các tài liệu Y học cổ truyền, kinh là đường dẫn khí huyết đi đến mọi chỗ trong cơ thể. Lạc là những nhánh phân ra từ kinh, nối kết các kinh mạch với nhau. Kinh Lạc là những đường ngang dọc làm thành một mạng lưới nối tiếp chằng chịt, phân bố khắp toàn thân. Kinh Lạc nối kết các tổ chức cơ quan tạng phủ lại với nhau như một chính thể thống nhất.
Y học cổ truyền phân chia con người thành 6 Tạng (Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận và Tâm bào) và 6 Phủ (Tiểu trường, Đởm, Vị, Đại trường, Bàng quang và Tam tiêu), do đó cũng có 12 đường kinh tương ứng, mang tên các tạng hoặc phủ đó.
Kinh nối với tạng là kinh âm, kinh nối với phủ là kinh dương, do đó có 6 kinh dương và 6 kinh âm, chia ra thành: 3 kinh âm ở tay, 3 kinh dương ở tay, 3 kinh âm ở chân, 3 kinh dương ở chân. Sự chuyển vận khí trong 12 đường kinh theo Y học cổ truyền thực hiện trong 24h.
Riêng hai đường mạch Nhâm Đốc làm một vòng tuần hoàn đặc biệt theo đường chính giữa cơ thể.
Mạch Nhâm từ huyệt Hội âm ở giữa bộ phận sinh dục ngoài và Hậu môn theo đường chính giữa của bụng ngực đi lên tận cung ở huyệt Thừa tương giữa rãnh cằm môi, nối tiếp mạch Đốc.
Mạch Đốc từ huyệt Trường cường ở mỏm dưới xương cùng theo đường chính giữa lưng đi thẳng lên đỉnh đầu qua phía trước đầu rồi tận cùng ở huyệt Ngân giao nơi hàm trên.
Tác dụng sinh lý của Kinh Lạc là: Vận hành khí huyết, nuôi âm dương, làm mềm gân xương, trơn các khớp (Nội kinh). Bên trong Kinh Lạc thuộc vào tạng hoặc phủ, bên ngoài liên lạc với các đốt toàn thân, làm lưu thông giữa ngoài (biểu) và trong (lý). Liên hệ toàn thân để duy trì chức năng bình thường của cơ thể con người.
Lúc ở trạng thái bệnh, Kinh Lạc có mối quan hệ với phát sinh và phát triển của bệnh, yếu tố phòng bệnh bên ngoài (Ngoại tả) xâm phạm vào cơ thể, nên sự bảo vệ của Kinh Lạc bị rối loạn thì tà khí có thể theo Kinh Lạc mà truyền vào tạng phủ.
Tạng phủ có bệnh cũng có thể dọc theo đường kinh mà phản ánh tới vùng ngoài da tương ứng. Căn cứ vào đặc điểm này mà người ta đã áp dụng Kinh Lạc trong chuẩn đoán.
Người thứ 2 tôi gặp là Lương y Nguyễn Thiên Quyến, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Hà nội, người đã có kinh nghiệm hàng chục năm chữa bệnh bằng Đông y.
Theo Lương y Nguyễn Thiên Quyến thì không có “huyệt Dương Minh” mà chỉ có kinh Túc Dương Minh vị “rất quan trọng với nam giới”. Riêng vùng đầu và mặt có khoảng 50 huyệt, trong đó có huyệt Ế phong. Huyệt nằm ở nơi chỗ lõm giữa góc hàm dưới và xương chũm, sau mỏm nhọn cao nhất của dái tai. Hơi há miệng để hở khe giữa hai xương hàm và xương chũm sẽ dễ tác động vào huyệt hơn.
Ế phong là một huyệt rất phổ biến để chữa bệnh trong châm cứu đông y. Tác động vào huyệt này có tác dụng trị điếc, tai ù, tai lãng, tuyến mang tai viêm, thần kinh mặt liệt. Ngoài ra, huyệt có thể trừ được khí nghịch dẫn đến cao huyết áp do thời tiết, môi trường (ngoại phong) hoặc khí uất, căng thẳng tâm lý (nội phong). Về mặt thần kinh, huyệt liên quan đến đám rối thần kinh vùng cổ và dây thần kinh sọ não số 11. Tác động vào huyệt có thể giúp ổn định huyết áp qua cơ chế khu phong, chống khí nghịch và điều hòa thần kinh, huyết áp cao sẽ hạ, và huyết áp thấp sẽ được nâng lên.
Tôi mang tiếp thắc mắc về “huyệt Dương Minh” đến hỏi Đại tá bác sĩ Đỗ Thế Lộc, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an. Bác sĩ Lộc khẳng định ông chưa nghe thấy “huyệt Dương Minh” bao giờ. Bác sĩ Lộc giới thiệu tôi gặp bác sĩ Tuấn Anh, người đã đi học ở Trung Quốc về Y học cổ truyền. Sau mấy ngày mày mò tài liệu cả tiếng Việt và tiếng Trung, bác sĩ Tuấn Anh khẳng định tất cả các tài liệu chính thống dùng đào tạo bác sĩ Y học cổ truyền đều không đề cập tới “huyệt Dương Minh”. “Tôi đã hỏi các thầy ở Trung Quốc về chuyện này thì các thầy nói đã từng có cuộc tranh luận về chuyện này vì có một tài liệu cổ nói tới nhưng thông tin trong đó mang tính truyền thuyết, huyễn hoặc”.
Bác sĩ Chuyên khoa II Hoàng Đình Lân, Chủ nhiệm Khoa Ngoại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cũng khẳng định mấy chục năm làm nghề, ông chưa từng nghe nói tới “huyệt Dương Minh” mà chỉ có kinh Dương Minh. Với vị trí của huyệt nằm ở sau dái tai, bác sĩ Lân cho biết đó là huyệt Ế phong với tác dụng như đã trình bày ở trên nên không thể căn cứ vào đó để khẳng định một nam thanh niên là trai tân hay đã “mất tân”. Với kinh nghiệm của mình, bác sĩ Lân cho biết, chỉ có thể biết một chàng trai đã sinh hoạt tình dục hay chưa bằng cách trực tiếp kiểm tra đầu dương vật.
Còn theo PGS – TS Vũ Thường Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện châm cứu TW, thì không có cơ sở khoa học nào chứng minh về “huyệt trai tân”.