Theo dự án luật, “Cá nhân có ảnh hưởng chính trị là cá nhân được giao giữ những chức vụ cao cấp trong bộ máy nhà nước của nước ngoài; bao gồm người đứng đầu nhà nước, chính phủ, quan chức cao cấp của chính phủ, tòa án, quân đội; hoặc người quản lý cao cấp của công ty thuộc sở hữu nhà nước của nước ngoài, quan chức cao cấp của đảng phái chính trị của nước ngoài; và thành viên gia đình, những người có quan hệ mật thiết với cá nhân đó”.
Giao dịch qua ngân hàng của các đối tượng trên sẽ chịu sự giám sát tăng cường nhằm chống hoạt động rửa tiền, hoặc hoạt động tài trợ cho khủng bố.
Nội dung gây tranh cãi chính là quy định trên đây chỉ áp dụng đối với các chính trị gia, nhân vật quan trọng của nước ngoài mà không áp dụng với đối tượng tương tự trong nước. Cơ quan soạn thảo của Chính phủ và thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng các đối tượng tương tự trong nước đã được điều chỉnh trong Luật phòng, chống tham nhũng và Luật cán bộ, công chức nên không cần điều chỉnh nữa.
Không chấp nhận cách lý giải này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói: “Chúng ta không thể giải thích được tại sao những người có ảnh hưởng chính trị lại chỉ quy định với nước ngoài. Nói rằng với cá nhân trong nước đã được quy định trong luật khác là không đúng vì luật này quy định liên quan đến rửa tiền, Luật cán bộ, công chức không quy định về rửa tiền nên không thể lấy quy định của nó để nói rằng luật này không cần quy định nữa”.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Trần Minh Tuấn, sở dĩ dự luật quy định như vậy là vì khái niệm “cá nhân có ảnh hưởng chính trị đối với ta mà định nghĩa ai thì rất khó”. Ông Tuấn cũng cho hay các cam kết quốc tế khuyến cáo ta áp dụng đối với cả đối tượng trong nước thì tốt, còn không thì phải quy định tối thiểu như dự luật. “Chúng ta đáp ứng cái tối thiểu” - ông Tuấn nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày cách hiểu của mình: “Tôi hiểu quy định với chính trị gia nước ngoài là vì nó nhằm chống các nhà chính trị nước ngoài can thiệp vào, tài trợ vào để chống nước tôi, hoặc là rửa tiền để chạy sang nước tôi mà sống. Ngược lại, các nhà chính trị nước tôi mà đem rửa tiền ở nước khác thì pháp luật nước khác sẽ điều chỉnh. Vậy thì đây là đạo lý của vấn đề này chứ không phải né quy định với đối tượng trong nước”.
Thấy Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lắc đầu khi Phó thống đốc và Chủ tịch Quốc hội nói, người điều hành phiên họp - Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - mời ông Lý tranh luận tiếp. Ông Lý nói: “Ở đây chúng ta đang nói về khái niệm cá nhân có ảnh hưởng chính trị. Luật này đâu chỉ quy định về rửa tiền nước ngoài vào, mà quy định cả rửa tiền trong nước nữa chứ”.
Đồng tình với ông Lý, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng luật “không chỉ nhằm vào đối tượng nước ngoài mà phải điều chỉnh cả đối tượng trong nước”.
Cớ gì không bảo hiểm tiền gửi là USD, vàng? Tranh luận sôi nổi cũng diễn ra với dự án Luật bảo hiểm tiền gửi khi cơ quan soạn thảo và thường trực Ủy ban Kinh tế bảo lưu quan điểm chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với đồng VN mà không bảo hiểm với ngoại tệ, vàng. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển hỏi: “Quy định như vậy thì có buộc người dân phải đổi USD ra đồng VN để gửi không? Nếu cho gửi USD, gửi vàng thì cớ gì mà không bảo hiểm? Điều kiện nước ta hiện nay kiều hối hằng năm rất nhiều, dân cũng giữ vàng, USD rất nhiều, vậy tại sao không bảo hiểm để hút lượng ngoại tệ vào ngân hàng? Tôi cho rằng quy định như vậy không đáp ứng được mong đợi của người dân và nhiều đại biểu Quốc hội”. Đồng tình với ông Hiển, cả Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đều cho rằng đồng nội tệ hay ngoại tệ cũng là tài sản như nhau, không có lý do gì để từ chối bảo hiểm một khi các khoản tiền gửi hợp pháp. |
LÊ KIÊN