Tại Hội nghị Doanh nghiệp ngành Xây dựng năm 2011 diễn ra chiều 17/12, ông Trịnh Đình Dũng đã dành nhiều thời gian trả lời gần 70 câu hỏi của các cơ quan báo chí xoay quanh một số vấn đề nóng trong lĩnh vực BĐS.
Người đứng đầu Bộ Xây dựng cho biết, trong chiến lược phát triển nhà ở, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã xác định nhà ở là một mục tiêu vì con người. Vì thế, phát triển nhà ở được coi là trách nhiệm của nhà nước, của xã hội và của mỗi người dân.
Chưa một quốc gia nào có thu nhập chỉ với 1.000 đô la một năm lại quan tâm đến vấn đề nhà ở như Việt Nam. Ngay như Ấn Độ và nhiều quốc gia khác ở Châu Phi, có mức thu nhập trung bình cao hơn Việt Nam, nhưng vấn đề nhà ở không được quan tâm nhiều như nước ta.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2012, BĐS sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh Luân Dũng |
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trình Đình Dũng, do tác động bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, trong thời gian tới lĩnh vực BĐS sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chính phủ lại đang đặt mục tiêu kiềm kế lạm phát, nên sẽ tác động nhiều đến lĩnh vực BĐS. Mặt khác, BĐS phát triển nóng đã dẫn tới hệ quả đóng băng trong thời gian qua.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này phần lớn là do doanh nghiệp không có sự đầu tư, nghiên cứu thị trường, chỉ phát triển BĐS theo phong trào. Vì thế bản thân doanh nghiệp BĐS cũng sẽ phải cơ cấu lại, đồng thời cũng cần nhìn nhận, tính toán phân khúc như thế nào cho hợp lý. Tránh tình trạng nhà có nhưng không bán được, còn người có nhu cầu thật lại không thể với tới.
“Kinh tế nói chung và BĐS nói riêng là hai lĩnh vực không thể tách rời. BĐS đang chịu sự chi phối rất lớn do sự bất ổn kinh tế toàn cầu. Vì thế, trong tương lai, doanh nghiệp sẽ phải gồng mình để vượt qua khó khăn. Thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. Điều này cũng hoàn toàn bình thường, vì đây là quy luật tất yếu của sự phát triển” – Bộ trưởng Dũng chia sẻ.
BĐS đang gặp nhiều khó khăn về vốn do thị trường ảm đạm. Ảnh Luân Dũng
Trao đổi về thực trạng giảm giá căn hộ trong thời gian qua, vị đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, giá BĐS giảm sẽ có lợi cho người tiêu dùng, nhưng lại gây tổn thất với doanh nghiệp. Việc giảm giá căn hộ ở một số khu vực như Linh Đàm, Xa La… trên địa bàn Hà Nội trong mấy ngày qua là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, làm thế nào để đảm bảo lợi ích cho cả khách hàng và chủ đầu tư thì sẽ phải cần đến vai trò quản lý chặt chẽ của nhà nước.
Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng, Chính phủ đã chỉ đạo phía ngân hàng nới lỏng tín dụng cho lĩnh vực BĐS. Qua đó, những dự án dở dang mà đang gặp khó khăn về nguồn vốn, nhưng thấy hiệu quả thì sẽ được quan tâm, ưu tiên cho vay để tiếp tục triển khai. Nếu biết mở van đúng chỗ thì sẽ phát huy hiệu quả, song vì thời gian qua BĐS đã phát triển quá nóng, nên muốn hồi phục nó thì cũng cần phải mất nhiều thời gian.
“Ít nhất trong 6 tháng đầu năm 2012, BĐS sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Loại hình căn hộ đang tiếp tục trên đà giảm giá. Nhưng giảm giá đến đâu, giảm như thế nào sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phát triển kinh tế cũng như sức chịu đựng của phía doanh nghiệp” – Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
DiaOcOnline.vn - Theo Infonet