Trao đổi với PV trước đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân đường bộ và phí vào nội đô đối với ô tô do Bộ GTVT vừa trình Chính phủ. TSKH Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch thường trực Hội KHKT Cầu đường VN, nói:
Ô tô, xe máy là phương tiện thiết yếu để đi lại và đã chịu rất nhiều loại phí, thuế. Loại nào cũng tăng cao từ 2012, như thuế trước bạ tăng kịch khung 20% (năm 2011 là 10 – 12% tùy địa phương), tiền đăng ký xe cũng tăng, rồi phí đỗ xe, dừng xe, bãi đỗ tăng… Vừa rồi Quỹ bảo trì đường bộ đang được lấy ý kiến các Bộ, ngành để tìm cách thu phí giao thông đường bộ, giờ lại “đẻ” ra loại phí lưu hành thì chẳng khác nào mọi thứ phí dồn vào một chiếc xe máy.
TSKH Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch thường trực Hội KHKT Cầu đường VN |
Nhà nước phải có nghĩa vụ tạo điều kiện về hạ tầng cơ sở, chính sách để sự đi lại của người dân được lưu thông dễ dàng. Như Bác Hồ đã nói, giao thông như mạch máu, mạch máu thông suốt thì cơ thể mới khỏe mạnh. Bây giờ lại tìm mọi cách làm cho “đường ống” dẫn máu bị nghẽn, cấm “máu” chảy thì cơ thể có khỏe mạnh được không?
- Tức là ngành giao thông đã chọn phần dễ về mình, đẩy gánh nặng về phía người dân?
Mục tiêu của việc hạn chế phương tiện vào trung tâm đô thị giờ cao điểm là hạn chế ùn tắc chứ không phải để thu được khoản phí nữa. Nếu ai đó nhằm vào chính sách này để thu được bao nhiêu tiền là làm sai lệch mục tiêu. Còn hạn chế phương tiện vào nội đô thì có nhiều phương án, như: thu phí chỗ đỗ xe, ý tưởng thông xe ngày chẵn, ngày lẻ… Như vậy là biện pháp tổ chức rất đa dạng, nhưng mục tiêu không được lệch lạc. Ý đồ của Bộ GTVT để thu thêm tiền là sai.
- Vậy theo ông, việc thu phí lưu hành phương tiện và phí đi vào trung tâm đô thị giờ cao điểm có hạn chế việc ùn tắc giao thông?
Tôi thử hỏi, nếu có việc thì liệu vì việc thu phí người dân sẽ không vào nội đô nữa không? Tôi đặt cược rằng nhiều người sẽ không vì các loại phí mà không vào nội đô.
- Đề xuất phí lưu hành phương tiện giao thông mới chỉ nói đến phương tiện cá nhân mà chưa nói đến xe công, như vậy liệu có bất bình đẳng?
- Tôi nghĩ rằng chính sách không được bất cập. Trả lời trên phương tiện thông tin đại chúng, phát ngôn viên của Bộ GTVT đã khẳng định đó mới là đề xuất và sau khi thống nhất chủ trương mới có đề án. Khi chưa có đề án thì không nên bình luận về điều này.
Trước đây, Bộ GTVT đề xuất về việc đổi giờ học, giờ làm đã có lưu ý của Văn phòng Chính phủ và phản ứng của UBND TP.Hà Nội về việc phải lấy ý kiến của đông đảo người dân. Nay đến việc thu phí lưu hành vào trung tâm thành phố cũng giống như vậy, động chạm đến đời sống của người dân, cần lấy ý kiến rộng rãi của người dân trước khi ban hành.
Theo Đất Việt