05/12/2011 13:34 PM

(Đất Việt) Kiểm định chất lượng đại học được Bộ GD-ĐT coi là nội dung rất mới trong Dự thảo Luật giáo dục đại học. Tuy nhiên, ngay cả tiêu chí để kiểm định, ai đứng ra kiểm định vẫn là vấn đề còn bàn cãi.

Bộ GD-ĐT có Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, nhưng hoạt động của Cục này mới tập trung vào giáo dục phổ thông, vì thế việc kiểm định trong giáo dục đại học vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ.

Quá sức Bộ GD - ĐT

Nói về kiểm định chất lượng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, chia sẻ: “Đúng là trong thời gian qua, chưa có biện pháp kiểm soát chất lượng trong quá trình đào tạo và đầu ra. Hiện Bộ đã yêu cầu các trường công bố chuẩn đầu ra, nhưng từ lúc công bố đến lúc học xong phải mất 4, 5 năm, việc đào tạo ra sao để đạt chất lượng này vẫn chưa có kiểm soát”. Vì thế, trong Dự thảo Luật giáo dục đại học (GDĐH) lần này, Bộ đã đưa kiểm định chất lượng và đảm bảo chất lượng là biện pháp cần thiết để đảm bảo trong suốt qúa trình đào tạo, nhà trường luôn phải tự kiểm định, tự đánh giá mình đang ở mức độ nào, đó là đánh giá trong. Bên cạnh đó còn có đánh giá ngoài, là cơ quan kiểm định đến đánh giá. Trong suốt quá trình hoạt động đều được cơ quan này “nhóm ngó”. Các cơ quan nhà nước đủ uy tín làm việc này và sẽ công bố công khai.

Phải mất 3 năm, Bộ GD-ĐT mới có thể kiểm định được chất lượng hơn 400 trường ĐH,CĐ. Trong ảnh: SV ĐH Thủy Lợi thực hành về kỹ thuật biển.
Ảnh: Kim Anh

Tuy nhiên, theo ý kiến cùa các chuyên gia, với hơn 400 trường đại học, cao đẳng thì dù Bộ GD-ĐT có làm hết công suất cũng phải mất 3 năm mới đánh giá, kiểm định xong. Rõ ràng, việc thực hiện kiểm định là quá tải nếu chỉ có một cơ quan của Bộ này tiến hành.

Bên cạnh đó, việc cơ quan kiểm định là một tổ chức công đã gây nhiều ý kiến tranh cãi.

Theo GS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, ở các nước, kiểm định chất lượng thường là cơ quan độc lập, có tính khách quan và uy tín của họ được xã hội chấp nhận. Còn theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thì kiểm định không phải là sự đánh giá của cấp trên mà chính là “giấy chứng nhận sức khỏe” của trường, chứng minh năng lực đào tạo của trường. “Vì thế, sự kiểm định là tự nguyện, không bắt buộc và càng không phải cơ quan nhà nước đứng ra. Nếu để cơ quan nhà nước đánh giá thì sẽ mang tính chất quan phương”, ông Giang nói. Đây cũng là quan điểm của ông Trần Quốc Tuấn, Đại biểu quốc hội tỉnh Trà Vinh. Theo ông Tuấn, cơ quan kiểm định phải có vị thế độc lập với cơ quan quản lý Nhà nước.

Tư nhân chưa sẵn sàng

Việc kiểm định phải do một cơ quan độc lập tiến hành là xu hướng chung của giáo dục đại học trên thế giới. Nhưng trên thực tế, hiện ở Việt Nam chưa có một tổ chức, cá nhân độc lập nào có thể đảm nhiệm được vai trò này. Trong Luật GDĐH có đề cập đến việc thành lập những tổ chức kiểm định độc lập. Tuy nhiên, theo GS Đào Trọng Thi, vì mới bắt đầu tiến hành nên không thể một lúc mà có ngay. Do đó, trước mắt vẫn phải chấp nhận các tổ chức kiểm định công lập. Ông Thi cũng thừa nhận, khi nào hình thành được hệ thống kiểm định hoàn toàn độc lập thì xã hội mới yên tâm về chất lượng giáo dục, nhưng chúng ta phải chấp nhận một lộ trình để đạt tới điều đó.

Cần xem lại tiêu chí

GS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội lại tỏ ra băn khoăn về tiêu chí kiểm định. Theo ông Thịnh, các tiêu chí cần cố định, không thể theo phương thức bổ sung vì sẽ khó có thể so sánh năm sau tiến bộ hơn năm trước như thế nào. Hơn nữa, hiện nay mới chỉ đánh giá trên điều kiện đảm bảo chất lượng chứ chưa đánh giá trên thực chất. Ví dụ, tiêu chí kiểm định là trường có bao nhiêu mét vuông phòng học, phòng thí nghiệm, bao nhiêu đầu sách, nhưng tất cả những con số đó là con số không ảnh hưởng nhiều đến chất. Các trường cũ, lâu năm, có truyền thống đào tạo nhưng có thể không đạt chuẩn do số lượng đông, diện tích chật, trong khi trường mới mở diện tích rộng, lại đủ tiêu chuẩn.

Một tiêu chuẩn nữa là tỷ lệ sinh viên có việc làm. Không thể so sánh về tỷ lệ giữa một trường có hàng nghìn sinh viên với trường chỉ vài trăm em, giữa trường đại học vùng có sự đặt hàng của địa phương với trường tuyển sinh trên cả nước. “Vì thế, những điều đó chỉ là một phần trong đảm bảo chất lượng, mà ta vẫn nói một nửa sự thật chưa phải là sự thật”, ông Thịnh nói.

Rõ ràng, kiểm định chất lượng giáo dục đại học là cần thiết, tuy nhiên, phải thực hiện như thế nào lại là một điều còn phàn bàn thêm. Nhất là khi, theo Dự thảo Luật GDĐH, kết quả kiểm định chất lượng sẽ quyết định vấn đề tự chủ của các trường. Trong khi đó, riêng tự chủ cũng lại là cả một vấn đề lớn mà theo nhiều đại biểu quốc hội, Luật GDĐH phải dành riêng một chương để đề cập.

Hoàng Tuấn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,984

Chính sách mới

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]