Quan tâm đặc biệt tới vấn đề tự chủ, GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định, Dự thảo Luật GDĐH lần này là văn bản pháp luật quy định rộng rãi nhất, mở nhất quyền tự chủ cho trường đại học so với các văn bản khác từ trước đến nay. Các trường được tự quyết định chỉ tiêu, chương trình đào tạo, tự chủ tài chính, tự in ấn, cấp phát bằng.
Tự chủ phải có lộ trình
Khẳng định xu hướng trả lại quyền tự chủ cho các trường là hoàn toàn đúng, nhưng GS Thuyết cũng cho rằng, phải xem tình hình thực tế để có lộ trình đúng. “Hiện nay nếu buông hoàn toàn cho các trường thì dân cũng chưa tin tưởng được. Các trường có thể vì quyền lợi của mình mà tuyển sinh bằng bất kỳ giá nào, đào tạo bằng bất kỳ giá nào và cho điểm sinh viên rộng rãi để có bằng tốt mà không đảm bảo chất lượng”, GS Thuyết nói. Theo đó, ông Thuyết cho rằng, việc trao quyền tự chủ cho các trường phải có lộ trình và phù hợp với sự phân tầng đại học. Trường có truyền thống đào tạo tốt có thể trao quyền tự chủ hoàn toàn, các trường khác trao dần tùy từng mức độ.
Là người theo sát Luật GDĐH từ những lần dự thảo đầu tiên, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nhận định rằng, Luật đã có rất nhiều bước tiến, trong đó có vấn đề tự chủ. Theo GS Thi, với điều kiện hiện nay nếu không phân loại các trường ra để giao quyền tự chủ xứng với khả năng thực hiện thì có thể xảy ra tình trạng không kiểm soát được chất lượng. “Vì vậy, chúng tôi ủng hộ việc giao quyền tự chủ có phân loại. Trường ĐH nào có khả năng nhiều hơn thì được giao quyền tự chủ nhiều hơn, nhưng vẫn hướng đến việc các trường đều vươn lên để được tự chủ. Đến lúc đó, chúng ta sẽ giao quyền tự chủ trọn vẹn cho các trường. Nhưng phải có quá trình chứ không đánh đồng tất cả trường yếu cũng như trường mạnh”, ông Thi nói.
Tới đây các trường ĐH sẽ được nâng cao tự chủ trong mọi hoạt động. Ảnh: Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong giờ học. |
Như Quỳnh