Thờ ơ với quyền lợi NTD
Những bài báo cùng bằng chứng mà Báo Thanh Niênđã cung cấp cho cơ quan điều tra - ảnh: Phương Thanh - Trần Hơn |
"Vụ việc sai phạm đã được phát hiện nhưng xử lý vẫn chưa thỏa đáng, cơ quan điều tra và các cơ quan liên quan phải tiếp tục xử lý quyết liệt và triệt để hơn" - Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Bảo vệ NTD VN |
Vụ việc có bằng chứng không thể chối cãi, nhưng chỉ các đối tượng tham gia rút ruột và pha xăng dầu bị đình chỉ là chưa đủ. Phải xử lý dứt điểm và quy trách nhiệm rõ ràng để không lặp lại hiện tượng này. DN đầu mối trước sai phạm rõ ràng phải có câu trả lời trước NTD và xử lý thiệt hại cho NTD. "Trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng nói lên định hướng quan trọng của phát triển kinh tế thị trường là lấy NTD làm trung tâm. Vấn đề là phải có cơ chế bảo vệ NTD hiệu quả. Vụ việc sai phạm đã được phát hiện nhưng xử lý vẫn chưa thỏa đáng, cơ quan điều tra và các cơ quan liên quan phải tiếp tục xử lý quyết liệt và triệt để hơn" - ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Tường Minh - Tổng thư ký Hội Chống gian lận thương mại và Hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM (AFCA) cho rằng, hành vi gian lận xăng dầu như loạt bài Báo Thanh Niên vừa phản ánh là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đây là những hoạt động gây nguy hiểm cho xã hội, được thực hiện có tổ chức và người gian lận ý thức rất rõ về việc lừa dối NTD nhằm thu lợi bất chính.
"Tang vật có rồi, chứng cứ có rồi, đối tượng thực hiện hành vi gian lận xăng dầu có rồi thì không có lý do gì cơ quan điều tra không khởi tố vụ án" - Luật sư Trần Hải Đức - Đoàn luật sư TP.HCM |
Căn cứ theo bộ luật Hình sự, luật Bảo vệ quyền lợi NTD, luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, cơ quan chức năng cần sớm truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng vi phạm và xử lý thật nghiêm minh nhằm răn đe và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của NTD. Đặc biệt, hành vi gian lận xăng dầu bị phát giác vào đúng giai đoạn có khá nhiều vụ cháy xe diễn biến phức tạp đã tạo tâm lý bất an trong xã hội, trực tiếp ảnh hưởng lòng tin của NTD và sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Vì vậy, phải nhanh chóng xử lý và không để bị "chìm xuồng" nhằm lập lại trật tự kỷ cương kinh doanh xăng dầu và đảm bảo nhất quán chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD.
Tương tự, ông Nguyễn Mộng Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP.HCM cũng cho rằng, công ty kinh doanh xăng dầu phải có trách nhiệm xử lý đối tượng “ăn” xăng dầu để bảo vệ uy tín, tài sản của họ và quyền lợi NTD. Các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD thông qua việc phải xử lý đến nơi đến chốn những cá nhân, công ty liên quan đến việc này. Cơ quan điều tra cần công khai điều tra đến đâu, xử lý thế nào chứ không thể chỉ nói là “chúng tôi đang làm vụ này”.
Trách nhiệm của cơ quan điều tra
Điều tra chất lượng xăng dầu ở Bình Dương Ông Trần Văn Xiêm, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (QLCLSPHH) miền Nam, cho biết: “Từ vụ cháy xe diễn ra vào ngày 27.1 tại Đắk Nông khiến 28 hành khách thoát chết trong gang tấc, bước đầu tài xế khai đổ dầu tại cửa hàng xăng dầu A.L (Bến Cát, Bình Dương). Chiều ngày 30.1, Chi cục QLCLSPHH) miền Nam đã phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng Bình Dương tiến hành lấy mẫu xăng dầu tại cửa hàng này để xét nghiệm, làm rõ thông tin xe cháy”. |
Đây là vụ việc phạm pháp nghiêm trọng, liên quan tới mặt hàng gây nhiều nguy hại cho NTD, nếu không xử lý nghiêm sẽ gây mất lòng tin cho người dân. Không răn đe, thậm chí sẽ khiến các DN xăng dầu khác “nhờn”. Ngoài ra, cơ quan chủ quản là Bộ Công thương phải có trách nhiệm liên đới và phải đưa ra các hướng xử lý nghiêm, nếu không sẽ mang tiếng dung túng.
Ông Lương Hoàng Trung cũng cho rằng, nên xốc lại chức năng kiểm soát, quản lý của các cơ quan liên quan, không thể chỉ tới khi báo chí phanh phui vụ việc mới vào cuộc. Ông Trung cũng bày tỏ lo ngại có thể việc xử lý chỉ dừng lại ở chuyện giơ cao đánh khẽ.
Từ góc độ pháp luật, luật sư Trần Hải Đức - Đoàn luật sư TP.HCM phân tích, theo quy định của pháp luật, việc Báo Thanh Niênđã cung cấp chứng cứ (tin báo, hình ảnh, video…) thì nghĩa vụ của cơ quan điều tra phải xác minh, điều tra làm rõ. Nếu phát hiện dấu hiệu làm trái pháp luật thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can. “Tang vật có rồi, chứng cứ có rồi, đối tượng thực hiện hành vi gian lận xăng dầu có rồi thì không có lý do gì cơ quan điều tra không khởi tố vụ án. Từ việc này thể hiện thái độ của của người thi hành công vụ. “Quả bóng” trách nhiệm trong chân cơ quan điều tra nên họ không thể đẩy cho ai khác được, cũng không thể để vụ án này chìm xuồng” - luật sư Đức bức xúc.
Hiệp hội vận tải TP.HCM lên tiếng Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho rằng các doanh nghiệp vận tải rất bức xúc vì thực tế hiện nay các cơ quan nhà nước có trách nhiệm không kiểm soát được chất lượng xăng, dầu, đặc biệt là dầu trên thị trường. Qua đợt khảo sát mới đây của Hiệp hội Vận tải trên một số tuyến đường TP.HCM và các tỉnh lân cận như xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, đường xuyên Á, quốc lộ 51... đã phát hiện tình trạng nhiều lái xe không chỉ ăn cắp dầu, mà còn kết hợp với các đối tượng khác tổ chức thu gom dầu bất hợp pháp với số lượng rất lớn. Như vậy, chứng tỏ có một số lượng rất lớn xăng, dầu không đảm bảo chất lượng đưa ra thị trường tiêu thụ. Hậu quả là người tiêu dùng mua phải những sản phẩm xăng dầu kém chất lượng, nguy cơ cháy nổ rất cao. "Chúng tôi đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường kiểm tra, dẹp ngay những điểm thu gom xăng dầu bất hợp pháp. Mặt khác, các cơ quan công an cần khẩn trương điều tra, khởi tố những đối tượng, tổ chức "rút ruột" xăng, dầu như Báo Thanh Niên đã phản ánh", ông Thái Văn Chung bày tỏ. |
(Theo Mai Hà - Hoàng Việt/báo Thanh Niên)