25/02/2012 17:04 PM

Được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng đỗ xe tràn lan trên vỉa hè, lòng đường ở 7 quận nội thành, nhưng sau 9 năm dự án 34 điểm đỗ xe của Hà Nội vẫn chưa thể triển khai do thiếu vốn, do bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo quyết định ban hành năm 2003, Hà Nội đặt mục tiêu quỹ đất điểm đỗ xe trên địa bàn đến năm 2020 là 703 ha và đưa ra danh mục 34 vị trí làm bãi đỗ xe tại 7 quận nội thành để thay thế các điểm đỗ trên hè phố giai đoạn 2004-2010.

Các công viên Lê Nin, Thủ Lệ, vườn hoa Hàng Đậu, Indira Gandi, Chi Lăng, vườn cây cạnh Văn Miếu, đều được quy hoạch là điểm đỗ xe ngầm. Song, hiện vẫn chưa có chủ đầu tư nào nghiên cứu các vị trí này. Trong khuôn viên Cung văn hóa Hữu nghị dự kiến có bãi đỗ ngầm rộng 2.000 m2 và hiện khu vực này vẫn chỉ là những quán cà phê.

Khu đất của Công ty cơ khí Ngô Gia Tự được quy hoạch bãi đỗ xe, đang được xây dựng tòa nhà ngân hàng. Ảnh: Đoàn Loan.

Không chỉ bãi xe ngầm mà ngay cả nhiều bãi đỗ cao tầng cũng không được triển khai, dù nhiều vị trí đã có đất sạch, như: bãi đỗ Long Biên, nhà máy nước Lương Yên, điểm Tân Ấp... Bãi đỗ 4 tầng rộng 3.000 m2 tại góc phố Nguyễn Đình Chiểu - Trần Nhân Tông vẫn chưa hình thành, thay vào đó là bãi xe chiếm dụng lòng, lề đường.

Nhiều lô đất do doanh nghiệp sử dụng, sau khi di dời nhà máy, các đơn vị này đã không trả lại cho thành phố để làm điểm đỗ xe theo quy hoạch mà chuyển đổi mục đích sang trung tâm thương mại, dịch vụ. Lô đất 3.000 m2 tại số 16 Phan Chu Trinh (từng được Nhà máy ôtô Ngô Gia Tự quản lý), được quy hoạch là điểm đỗ xe cho khu vực Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Hàm Long, Lý Thường Kiệt... nhưng nay đang được xây dựng thành tòa nhà ngân hàng.

Khu đất "vàng" 1.400 m2 tại góc phố Hai Bà Trưng - Hàng Bài do Công ty Nhựa Hà Nội sử dụng, dự kiến xây dựng bãi đỗ xe nhiều tầng ngầm và nổi để thay thế các điểm đỗ trên hè phố Hai Bà Trưng, Hàm Long, Hàng Trống, Bà Triệu... Tuy nhiên, nay là dự án tòa nhà cho thuê, văn phòng cao cấp.

Tương tự, 2.000 m2 đất trên phố Tràng Thi do Xí nghiệp Xe đạp Viha từng quản lý giờ cũng được xây kín siêu thị, kios mà không phải điểm đỗ xe như quy hoạch.

Góc phố Hàng Bài vốn được quy hoạch bãi đỗ xe nhưng đang xây dựng văn phòng cho thuê. Ảnh: Đoàn Loan.

Ông Phạm Văn Đức, Trưởng ban quản lý dự án (Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội) cho biết, trở ngại khi đầu tư bãi đỗ xe là thiếu quỹ đất sạch. Nếu đầu tư tại cơ sở sản xuất đã di dời thì càng khó khăn bởi các đơn vị này không muốn giao đất làm điểm trông giữ xe. Ngoài ra, chủ đầu tư phải lập dự án, tự giải phóng mặt bằng, thực hiện đủ thủ tục đầu tư như các dự án kinh doanh khác mất khoảng 1,5 đến 2 năm. Trong khi nguồn vốn thu lại từ phí trông giữ xe không lớn khiến doanh nghiệp không mặn mà đầu tư.

Ông Đức đơn cử, cơ quan này đang đầu tư bãi đỗ rộng một ha ở Việt Hưng (Long Biên) với chi phí giải phóng mặt bằng và làm hạ tầng là 45 tỷ đồng, dự kiến sau 25 năm mới có thể thu hồi vốn. "Vốn phải vay ngân hàng, nếu đầu tư lĩnh vực khác chắc có lãi hơn kinh doanh bãi đỗ. Nhà nước cần giảm thuế, giá thuê đất, cho phép doanh nghiệp tự quyết giá kinh doanh thì mới thu hút đầu tư", ông Đức nói.

Trao đổi với VnExpress.net, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết, việc triển khai 34 bãi đỗ xe theo quy hoạch phụ thuộc lớn vào nguồn vốn. Dù được xã hội hóa song kinh doanh bãi đỗ xe có hiệu quả không cao nên ít doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, một số bãi đỗ sau này đã có các quyết định của cấp thẩm quyền cho phép chuyển đổi để phục vụ cho dự án cấp thiết hơn. Việc điều chỉnh này không thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông.

"Chúng tôi đã rà soát quy hoạch và tham mưu thành phố nhiều lần về cơ chế, chính sách song vẫn không có gì thay đổi", ông Nguyễn Hoàng Linh bày tỏ.

Theo ông Linh, cuối năm 2011, Sở đã rà soát và bổ sung hơn 40 dự án bãi trông giữ xe mới đến năm 2015, coi như thêm danh mục vị trí điểm đỗ xe của quyết định đưa ra năm 2003. Tuy nhiên, hiện lãnh đạo thành phố chưa phê duyệt đề án này nên Sở chưa thể triển khai.

Theo quyết định 165 của UBND TP Hà Nội năm 2003:

Tại các khu vực nội đô: quỹ đất đỗ xe ở mức hạn chế (đáp ứng dưới 70% nhu cầu đỗ trong khu vực), chi phí cho đỗ xe cao hơn khu vực bên ngoài. Quỹ đất giao thông trong khu vực sẽ không chuyển đổi sang sử dụng vào mục đích khác mà ưu tiên cho đất đỗ xe. Giữ lại các điểm đỗ hiện trạng có vị trí hợp lý.

Đất công nghiệp hiện trạng chuyển đổi chức năng sử dụng đất trong quy hoạch sẽ một phần được sử dụng vào điểm đỗ xe theo hình thức: Lấy toàn bộ hoặc một phần lô đất để xây gara cao tầng, hoặc lấy tầng ngầm làm điểm đỗ tuỳ theo quy mô lớn nhỏ.

Đối với đất chuyển đổi sang cây xanh bố trí điểm đỗ xe kết hợp. Có thể xây gara ngầm dưới vườn hoa công viên và cả hồ nước. Đối với khu vực không thể tận dụng và không có quỹ đất thì sẽ lấy vào đất khác.

Yêu cầu bắt buộc các công sở, các trung tâm thương mại, dịch vụ, công cộng phải tự giải quyết nhu cầu đỗ và khuyến khích có dịch vụ đỗ công cộng. Đối với các vị trí xây trên lô đất lớn trên 1.000m2 bắt buộc phải bố trí tầng ngầm làm điểm đỗ.

Đoàn Loan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,564

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]