16/08/2011 08:06 AM

Đến bây giờ, Trần Thị Liên, sinh 1978, ở phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) không thể nhớ nổi mình có bao nhiêu tiền sự, mà chỉ nhớ láng máng đâu như có 9 hay 10 tiền án về tội trộm cắp tài sản, với tổng hình phạt trên dưới 15 năm tù (!?).

 Để trốn thi hành án, có cơ hội ở ngoài tiếp tục “hành nghề”, Liên dùng chiêu liên tục…  mang thai và nuôi con nhỏ.

'Độc chiêu' đẻ con để thoát án

Ngồi trong phòng tạm giữ của Công an quận Kiến An, Liên vật vã, mặt mày đờ đẫn vì cả ngày thiếu thuốc. Sau cái ngáp dài, Liên nói như tự trách mình rằng, lần này quá đen đủi vì thằng em trai đi “ăn hàng” lần đầu cứ lóng nga, lóng ngóng nên bị bại trận…

Liên hậm hực kể lại, khi cùng mình vào cửa hàng quần áo trên đường Lê Quốc Uy (phường Bắc Sơn, quận Kiến An), em trai của Liên là Trần Văn Chiến, sinh 1986, đóng giả thành đôi tình nhân tình tứ dắt nhau đi mua hàng…

Trông đôi trai gái có vẻ là những người ăn biết ăn, biết chơi, chủ cửa hàng niềm nở dẫn khách đi khắp cửa hàng giới thiệu những mẫu quần áo mới nhất.

Như đã bàn trước, khi vào cửa hàng Liên bố trí để cho Chiến đứng một chỗ yêu cầu chủ cửa hàng cho thử hết bộ này đến bộ khác.

Lúc này Liên lảng ra khu chỗ khác tranh thủ thời cơ trộm cắp được thứ gì sẽ giấu trong người rồi ám hiệu cho Chiến đi ra.

Thế nhưng, khi Liên đã vơ liền lúc được 5 chiếc quần bò dắt gọn trong người thì Chiến vẫn không hiểu ý chuồn nhanh mà còn lơ ngơ đứng lại.

Thấy đôi trai gái có nhiều biểu hiện bất thường, chủ cửa hàng sinh nghi kiểm tra lại phát hiện bị mất cắp liền hô hoán mọi người kịp thời đuổi bắt giao cho cơ quan công an.

 Nữ quái Trần Thị Liên với chi vết sẹo trên tay.
Nữ quái Trần Thị Liên với chi vết sẹo trên tay.

Liên cho biết, vào khoảng đầu những năm 2000, các chủ cửa hàng quần áo dọc đường Hoàng Văn Thụ, Cầu Đất, Lạch Tray hay chợ Ga, chợ Tam Bạc… gần như ai nấy đều đã từng nghe đến tên và có phần “nể” khả năng “chôm chỉa” của Liên.

Mỗi lần Liên bất ngờ xuất hiện ở đâu thì chắc chắn sau đó sẽ có cửa hàng hoặc khách đến mua hàng bị “bốc hơi” vài thứ đồ.

Chỉ cần một vài động tác đưa lên, đặt xuống là đã có 1 chiếc quần hoặc chiếc áo nằm gọn trong người Liên. Hay chỉ là bằng một cử chỉ, hành động để khách đến mua hàng mất tập trung, lập tức chiếc túi hay chiếc ví để hớ hênh biến mất lúc nào không hay.

Tuy nhiên, với tần suất hoạt động liên tục của Liên thì khả năng bị “lộ bài” là không tránh khỏi. Công an sở tại ở các khu vực Liên thường xuyên hoạt động cũng đã nhẵn mặt Liên.

Bắt lên, bắt xuống đến dăm lần bảy lượt, nhưng lần thì giá trị tài sản thấp chỉ đến mức phạt hành chính. Có lần đưa ra truy tố được, khi đưa ra xét xử Liên được “nợ” thi hành án vì đang mang thai. Nên chẳng may bị bắt thì cũng chỉ vài ba tháng sau Liên lại xuất hiện hoạt động trở lại.

Chẳng vậy mà đã có chủ cửa hàng muốn yên ổn làm ăn đã phải tìm đến gặp Liên rỉ tai... “xin” Liên loại cửa hàng, cửa hiệu của mình ra khỏi “tầm ngắm”.

Sau thời gian tung hoành ngang dọc, gây hoang mang cho nhiều chủ cửa hàng cửa hiệu trên địa bàn Hải Phòng, dường như “công việc” của Liên không còn được hiệu quả.

Liên tính toán chuyển địa bàn hoạt động ra ngoài phạm vi thành phố Hải Phòng, sang các tỉnh, thành khác. Mặc dù vẫn chỉ dùng mấy thủ đoạn nhưng “công việc” của Liên có vẻ lại được tiếp tục phát huy hiệu quả ở những địa bàn mới.

Hàng ngày Liên bắt xe ô tô đi khắp nơi, khi thì Quảng Ninh, lúc lại Hải Dương, Hưng Yên, có khi lên tận Hà Nội…, phát hiện nơi nào sơ hở là lập tức trổ nghề. Có nhiều “chuyến” Liên đi liền cả tuần, khi đã gom được số tiền khá khá thì quay về Hải Phòng bao đám bạn nghiện ăn chơi, hút hít cho đến khi hết tiền thì lại lên đường.

Tính từ năm 2000 đến nay, Liên đẻ liền 3 đứa con, đẻ xong vứt lay, vứt lắt, chờ cho đến khi bị cơ quan công an bắt giữ sẽ đưa chúng ra làm vật thế thân. Sự vô trách nhiệm cũng như động cơ mục đích tồi tệ của Liên thể hiện rõ ở việc khi cơ quan công an hỏi đến ngày sinh, tháng đẻ của con mình mà chẳng nhớ nổi ngày nào.

Tự hành xác

Chìa đôi cánh tay chi chít những vết thâm, vết sẹo hết lên da non rồi lại rướm máu, vết tích của những lần sử dụng ma túy rồi dùng thuốc lá hoặc kim châm vào cho tăng độ phê, Liên kể rằng, lúc đầu thấy đám bạn mỗi lần chơi thuốc xong là gí điếu thuốc lá đang cháy rực lên cánh tay, Liên cảm thấy kinh sợ.

Nhưng mấy lần sau vẫn theo đám bạn đi bar, chích hêrôin, thuê phòng “đập đá” nghe theo bạn cầm điếu thuốc lá châm vào cánh tay, không thấy đau, vài lần thành…nghiện. Bây giờ, cứ trạng thái tâm lý buồn, vui, hay chút kích động là Liên lại “tự thiêu” mới thấy đã đời…

“Có lẽ một người sống bất cần đời như Liên chắc phải có hoàn cảnh không bình thường?” – tôi gợi ý muốn Liên cho biết về hoàn cảnh gia đình mình.

Liên cho biết, cả bố và mẹ đều là những người kiếm sống bằng nghề bán hàng cho tàu, thuyền dọc trên sông Cấm nên 3 chị em Liên đều được sinh ra và lớn lên giữa vùng sông nước.

Là chị lớn trong nhà nên Liên sớm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Cuộc sống xô bồ vùng sông nước cũng đã phần nào hình thành nên con người Liên bây giờ.

Liên kể lại, vào những năm 1990, dọc sông Cấm không ai là không biết Liên – một đứa bé gầy nhom, đen đúa, hàng ngày phải gồng mình chèo thuyền đi bán hàng trên sông.

Nhưng người ta còn nhớ đến Liên nhiều hơn bởi sự tinh ranh. Ngoài việc bán hàng, Liên còn biết đổi rượu, thuốc lá cho thủy thủ tàu tây, tàu ta lấy hàng hóa.

Vì là trẻ con nên cánh bảo vệ Cảng, cánh thủy thủ không hay để ý, thỉnh thoảng Liên còn cả gan khuân cả thùng hàng nặng gấp đôi, gấp 3 trọng lượng cơ thể mình ném xuống thuyền mang ra ngoài bán lấy tiền…

Đến năm 2000, Liên lấy chồng. Thế nhưng, có lẽ ông trời cho Liên cái duyên nhưng lại lấy đi cái… phận. Chồng Liên thuộc loại tinh ăn mù làm, thích ăn chơi đua đòi. Táng tận lương tâm hơn, anh ta chính là người rủ rê, đưa đẩy Liên đến sự đam mê chết người – đó là ma túy.

Liên cho biết, lúc đầu thấy chồng thường rủ một vài người bạn về nhà xì xụp, dấm giúi hút hít thứ bột màu trắng. Vì tò mò Liên đôi lần mon men đến xem. Thấy vợ chứng kiến mà không có phản ứng gì, chồng Liên những tưởng vợ mình ủng hộ liền rủ rê dùng cho biết.

Lúc đầu Liên không dám nhưng thấy chồng mời mọc nhiệt tình thì cũng tặc lưỡi chơi thử cho biết. Lần một, lần hai, đến sau đó vài lần thì Liên bắt đầu cảm thấy không thể thiếu được nếu mỗi ngày không chơi 1 lần.

Và cũng từ đó, Liên chính thức trở thành nộ lệ của ma túy và cũng là nô lệ chồng mình. Hàng ngày ngoài việc kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con thì Liên còn phải lo thêm tiền để mua thuốc cho 2 vợ chồng sử dụng.

Trong nhà có 1 con nghiện đã đủ tán gia bại sản thì đây cả 2 vợ chồng đều nghiện nên chẳng mấy nhà cửa, phương tiện làm ăn của vợ chồng Liên bốc hơi theo làn khói trắng.

Đến lúc này không còn cách nào kiếm tiền, vợ chồng Liên bàn tính rủ nhau đi… trộm cắp lấy tiền hút hít… Liên cũng không ngần ngại mà cho biết thêm rằng, ngoài Liên và Chiến, nhà Liên còn đứa em gái sau Liên, cũng ngập trong ma túy.

Để có tiền thỏa mãn cơn nghiền, Liên hàng ngày dẫn đám em mình đi trộm cắp lấy tiền mua thuốc.

Cơn đói thuốc lại làm cho Liên vật vã. Liên hết đứng lại ngồi trông ngóng ra ngoài cửa mong bà mẹ mình mang xác nhận của chính quyền địa phương về việc Liên đang nuôi con nhỏ để được xử lý hành chính.

Đúng lúc này một người phụ nữ mà Liên cho biết là mẹ mình tất tả chạy vào xin được nộp giấy tờ bảo lãnh cho con.

Trong nước mắt, người đàn bà tội nghiệp nghẹn ngào cho biết rằng, bà đã quá đau khổ vì chỗ dựa vững chắc nhất là người chồng của bà mới mất vì bệnh ung thư. Giờ đây còn lại mình bà với 3 đứa con nghiện ngập và 3 đứa cháu dại bà biết làm gì để lo cho chúng.

Thôi thì nước mắt chảy xuôi, phận làm cha, làm mẹ, bà còn làm gì được cho con cái được tốt hơn thì bà vẫn cố làm.

Theo VNN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,499

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]